Được cất giữ ở một địa điểm bí mật trong thư viện Apple của Đại học Stanford, tập tài liệu này bao gồm một ghi chú viết tay vào năm 1976 của một nhà đầu tư sau cuộc gặp với Jobs và Steve Wozniak.
Khi ấy, bộ đôi này vừa thành lập Apple và đề nghị Mike – chủ một tiệm máy in gần nhà – đầu tư bằng cách tặng không họ giấy để in catalogue.
Giáo sư Dennis của Đại học Stanford kiểm tra các tài liệu cất giữ tại một địa điểm bí mật.
Một bức ảnh chụp bàn phím cũ kỹ xuất hiện bên cạnh lá thư viết về Jobs, trong đó ghi rất rõ Jobs là một “gã hề”. Chưa hết, Mike còn viết một lá thư “lịch sử” để cảnh báo các đồng nghiệp của ông ta về hai doanh nhân trẻ. “Này, gã hề đó (ý chỉ Jobs) kiểu gì cũng gọi cho anh đấy.... Chúng có hai gã, lắp ráp máy móc và mở văn phòng trong garage”.
Một bức ảnh chụp Steve Jobs hồi mới khởi nghiệp Apple.
Ngoài ra, Stanford còn lưu trữ được một đoạn video ghi cảnh phỏng vấn nhân viên Apple vào giữa thập niên 80.
Trong cuộc phỏng vấn, Steve Wozniak và Steve Jobs nhớ lại một thời khắc quan trọng của lịch sử thung lũng Silicon: họ đã đặt tên cho công ty của mình như thế nào.
“Tôi còn nhớ mình đang lái xe dọc theo Xa lộ 85. Chúng tôi phóng như bay và Steve chợt nói. “Tớ có một cái tên: Apple Computer”, Wozniak nhớ lại. “Chúng tôi cố nghĩ thêm những phương án đặt tên khác nhưng không tìm được cái nào hay hơn”.
Jobs bỗng chen vào “Tôi cũng nhớ là trước đó tôi từng làm việc ở Atari, và cái tên Apple sẽ giúp chúng tôi xuất hiện trước Atari trong danh bạ điện thoại”.
Bộ sưu tập quý giá
Đoạn băng này là một trong số rất nhiều tài liệu nội bộ mà Apple thu thập nhiều năm cho viện bảo tàng của hãng. Nhưng vào năm 1997, không lâu sau khi Jobs quay trở lại điều hành Apple, các quan chức của hãng đã liên hệ với Stanford và ngỏ ý quyên tặng bộ sưu tập này cho thư viện về thung lũng Silicon của trường.
Chỉ trong vài ngày, các phụ trách viên thư viện của Stanfrod đã có mặt tại đại bản doanh của Apple ở Cupertino, chất đầy hai thùng xe tải tài liệu, sách, phần mềm, băng video và tài liệu marketing. Giờ đây, chúng chính là hạt nhân của Bộ sưu tập Apple tại Stanford.
Bộ sưu tập này sẽ giúp các nhà sử học, doanh nhân và các nhà làm chính sách hiểu được vì sao một công ty thành lập ở garage tồi tài lại có thể vươn lên trở thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Đồng thời, cũng thông qua đây, bạn có thể theo dấu tiến hóa của máy tính cá nhân. Đó là những câu chuyện chưa được kể về những gì đã thực sự xảy ra, nhà sử học Leslie Berlin cho biết.
Ngoài tài liệu mật về Apple, thư viện Stanford còn lưu trữ nhiều bộ sưu tập quý giá khác về Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Mỹ, về người tiên phong cho khoa học máy tính Douglas Engelbar và về HP. Tuy nhiên, toàn bộ số tài liệu này đều được đặt ở các cơ sở bí mật và kiểm tra hai ngày mỗi lần.
Theo Trọng Cầm (VNN / Daily Mail)