Ảnh minh họa
“Ngoại” áp đảo “nội”
Tại thời điểm hiện nay, thị trường trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh thị phần sôi động của một số nhà cung cấp phần mềm diệt virus như Norton Antivirus, Kaspersky, Mc Afee, Trend Micro, Bit Defender của nước ngoài và ba sản phẩm trong nước là BKAV, CMC và phần mềm chưa có thị phần, vẫn đang trong giai đoạn dùng thử là D32 của tác giả Trương Minh Nhật Quang (Đại học Cần Thơ).
Nhận định về bức tranh thị trường phần mềm diệt virus tại Việt Nam hiện nay, ông Triệu Trần Đức - Giám đốc Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC cho biết: “Những phần mềm diệt virus chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường bán lẻ Việt Nam là Kaspersky, CMC và BKAV. Còn Symantec, Trend Micro hướng đến thị trường các dự án của Chính phủ. Đối với các ngân hàng thì chủ yếu sử dụng McAfee. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Kaspersky chiếm đa số.
Thị trường diệt virus cũng chứng kiến những cảnh đi - đến bất ngờ. Chẳng hạn như Bit Defender, phần mềm diệt virus đã từng có thời gian hoàng kim, “làm mưa làm gió” tại Việt Nam vào thời điểm năm 2007. Thế nhưng, cho đến thời điểm này Bit Defender dường như lại mất tích trên thị trường Việt Nam.
Sau một thời gian gần như mất tích trên thị trường Việt Nam, Norton Antivirus bắt đầu quay lại thị trường này. Norton Antivirus ít hướng đến thị trường bán lẻ Việt Nam mà chủ yếu hướng đến các thiết bị đầu cuối, giải pháp tổng thể cho những dự án Chính phủ.
Như vậy, bức tranh tổng thể thị trường Việt Nam cho thấy, hai doanh nghiệp “nội” là CMC và BKAV đang “đấu” với hàng loạt các tên tuổi lớn trên “sân nhà” của mình. Trong thời gian tới, nếu D32 ra được thị trường và một thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam (xin được dấu tên) làm về sản phẩm phần mềm diệt virus đang “thai nghén” là Lock PC tham gia thị trường này thì Việt Nam sẽ có 4 phần mềm diệt Virus “nội” tham gia thị trường. Cho dù mọi việc có “xuôi chèo mát mái” thì các doanh nghiệp làm sản phẩm phần mềm diệt virus “nội” vẫn lép vế trước hết là số lượng doanh nghiệp tham gia ngay tại trên “sân nhà”.
Trong số các phần mềm nêu trên, Norton Antivirus và McAfee là hai phần mềm thương hiệu Mỹ được biết đến tại Việt Nam từ trước năm 2005, tuy nhiên khi đó mới được người dùng biết đến ở dạng bẻ khoá. Đến năm 2008, sau khi tung ra thị trường sản phẩm Norton Antivirus 2009, hãng Symantec mới bắt đầu quảng bá sản phẩm này tại Việt Nam. Và cho tới thời điểm cuối năm 2009, ngay sau khi BKAV tung ra BKAV Pro 2010 hồi đầu tháng 10/2009, rồi CMC ra mắt CMC Antivirus 2010 thì Kaspersky (phần mềm diệt virus của Nga bắt đầu “tham chiến” thị trường Việt Nam từ tháng 2/2008) thông qua nhà phân phối Nam Trường Sơn, Norton Antivirus qua Công ty phân phối FDC (thuộc Tập đoàn FPT) cũng nhanh chóng trình làng phiên bản mới nhất để “tham chiến” cả thị trường bán lẻ.
Đáng chú ý, trong khi các phần mềm ngoại với tên tuổi đã khẳng định lâu năm trên thế giới không có nhiều hoạt động khuếch trương thương hiệu, thì những phần mềm nội như BKAV lại liên tục đầu tư quảng bá, khuyến mãi rầm rộ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng Internet và hình thức quảng bá trực tiếp trong cộng đồng người dùng. Có thể kể đến chuỗi sự kiện trong thời gian gần đây như “mua phần mềm có thưởng” trúng laptop Sony Vaio, điện thoại Nokia E72… của BKAV, rồi hàng loạt chương trình khác kết hợp với các nhà bán lẻ, phân phối máy tính để bàn, máy tính xách tay để tặng kèm phần mềm… Còn CMC hay Kaspersky, hai nhà cung cấp này cũng tung ra một số chương trình quảng bá, tặng người dùng miễn phí nhưng chuyện khuyếch trương thương hiệu vẫn còn “chìm” hơn so với BKAV.
Phần mềm diệt virus ngoại hiện vẫn chiếm ưu thế về lượng tiêu thụ. Ảnh: THANH HẢI
Kaspersky chiếm thế thượng phong
Trong cuộc chạy đua sôi động như vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi phần mềm diệt virus nào đang chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam?
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng – Tổng Giám đốc BKIS đã lên tiếng khẳng định về thị phần của BKAV: “Trước sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường phần mềm diệt virus, BKAV Pro đã bỏ xa các phần mềm khác khi chiếm 85% thị trường của những người đã mua phần mềm diệt virus bản quyền, có tới 93% công ty máy tính, siêu thị điện máy lớn nhất Hà Nội và TP.HCM đăng ký sử dụng phần mềm BKAV Pro có bản quyền đi kèm máy bán ra”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Triệu Trần Đức lại đưa ra một con số khác: “Theo số liệu thống kê của CMC ngay trong tháng 3/2010 thì Kaspersky chiếm 62% thị phần, CMC khoảng 22”. Ông Đức cũng cho biết, để có được con số này CMC đã thực hiện thống kê thị trường bằng cách gọi điện ngẫu nhiên tới 3.000 cửa hàng bán phần mềm diệt virus trên toàn quốc.
Theo khảo sát của phóng viên tại hơn 20 cửa hàng trên các tuyến phố kinh doanh máy tính, thiết bị công nghệ lớn tại Hà Nội như Lê Thanh Nghị, Lý Nam Đế, Thái Hà..., kết quả cho thấy Kaspersky, BKAV và CMC là ba cái tên được biết đến nhiều nhất, và trong số đó, Kaspersky cũng đang chiếm thế áp đảo.
“Trong các sản phẩm trên thì Kaspersky vẫn có sức tiêu thụ mạnh và được nhiều người sử dụng ưa chuộng hơn BKAV hay CMC” - Chủ cửa hàng Đức Huy số 226 phố Lê Thanh Nghị cho biết. Còn đối với các siêu thị máy tính lớn ở Hà Nội như Trần Anh, Đăng Khoa…, thì phần mềm ngoại vẫn tỏ ra chiếm ưu thế về lượng tiêu thụ so với phần mềm trong nước. Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, đại diện phòng Kinh doanh công ty Trần Anh cho biết: “Trung bình cứ 1000 sản phẩm diệt virus có bản quyền được bán ra ở Trần Anh thì BKAV chỉ bán được khoảng 200 sản phẩm, còn lại là phần mềm Kaspersky. Ngay cả trong những tuần lễ khuyến mãi BKAV gần đây, lượng sản phẩm BKAV được bán ra tuy cao hơn so với dịp bình thường (từ 300 - 400 bản) nhưng số lượng vẫn thấp hơn so với Kaspersky”. Và qua tìm hiểu tại một số cửa hàng khác trên phố Tạ Quang Bửu, Thái Hà, Lương Thế Vinh (Hà Nội)…, tại đâu phóng viên Báo BĐVN cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Cho đến thời điểm này thứ hạng chính xác của phần mềm “nội” là BKAV, CMC còn nhiều điều phải bàn cãi, nhưng hầu hết đều thừa nhận Kaspersky đang tỏ rõ lợi thế chiếm ngôi vương trên “sân khách” Việt Nam.
Theo ước tính của CMC, hiện nay thị trường bán lẻ phần mềm diệt virus tại Việt Nam đã bão hoà và doanh thu từ thị trường này không lớn, chỉ khoảng 50 - 70 tỉ đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này muốn có đột phá thì buộc phải “xuất ngoại”. Ông Triệu Trần Đức cho biết, CMC cũng đang kỳ vọng lớn ở hướng đi này.
(Theo ICTnews)