1. Cách dịch giọng nói trong video sang ngôn ngữ bất kỳ
Với sự phát triển của các công nghệ AI tổng quát, việc dịch giọng nói trong video sang ngôn ngữ bất kỳ đã trở nên khá đơn giản.
Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt và truy cập vào website Dubverse, nhấn Get Started for free, tạo tài khoản mới bằng email hoặc đăng nhập nhanh bằng Google.
Trong trang mới hiện ra, người dùng chỉ cần chọn Dub a Video để dịch giọng nói trong video sang ngôn ngữ bất kỳ. Ngoài ra còn có hai tùy chọn khác là Create Subtitles (tạo phụ đề cho video) và Text to Speech (chuyển văn bản thành giọng nói).
Tải video lên và chọn ngôn ngữ cần dịch. Ảnh: TIỂU MINH |
Bạn có thể thêm video từ YouTube, Google Drive, Vimeo, Facebook… hoặc tải lên từ thiết bị. Tiếp theo, người dùng chỉ cần chọn ngôn ngữ cần sử dụng, bấm dấu + rồi nhấn Let’s Dub. Ví dụ trong bài viết này là dịch giọng nói tiếng Anh trong video sang tiếng Việt.
Người dùng sẽ có 7 ngày dùng thử với 50 credits, khi hết tín dụng, bạn có thể nâng cấp lên gói trả phí để có thể sử dụng được thêm các tính năng nâng cao.
2. 4-5 triệu đồng nên mua smartphone gì?
Ở phân khúc 4-5 triệu đồng có rất nhiều thương hiệu smartphone để bạn lựa chọn, đơn cử như Xiaomi, vivo, realme, Samsung… hay gần đây nhất là Redmi Note 12 phiên bản màu vàng. Dù có mức giá rẻ nhưng máy vẫn được trang bị màn hình AMOLED 6,67 inch (Full HD+), tần số quét 120 Hz, mặt lưng có họa tiết vân kim cương, giúp chống dấu vân tay và mồ hôi.
Về phần cứng, máy được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 685 6 nm, RAM 4/8 GB, bộ nhớ trong 128 GB, pin 5.000 mAh (sạc nhanh 33 W), đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hàng ngày, bao gồm chơi game, lướt web, xem phim và làm việc.
Mặt sau của Redmi Note 12 là cụm camera với cảm biến chính 50 MP, camera góc siêu rộng 8 MP, camera macro 2 MP. Hiện tại Redmi Note 12 màu vàng đang được bán với giá chỉ từ 4,59 triệu đồng.
Redmi Note 12 được xem là một trong những mẫu smartphone thành công nhất thị trường khi ngay từ thời điểm chưa ra mắt với hơn 22.000 đơn hàng đặt trước.
3. ChatGPT có an toàn không?
Mặc dù OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) tuyên bố rằng họ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Mỹ, nhưng không có nghĩa là chúng sẽ an toàn tuyệt đối. Dưới đây là một số mẹo để sử dụng ChatGPT an toàn hơn:
- Không tiết lộ thông tin cá nhân bao gồm công ty bạn làm việc, số thẻ tín dụng, địa chỉ… Một số công ty như Samsung đã bị rò rỉ dữ liệu vì nhân viên vô tình chia sẻ chúng với ChatGPT.
- Chỉ cài đặt ứng dụng ChatGPT chính thức từ App Store và Google Play, tránh xa các phần mềm của bên thứ ba.
Cài đặt ứng dụng ChatGPT chính chủ trên Google Play. Ảnh: TIỂU MINH |
- Nếu bạn không muốn OpenAI sử dụng các cuộc trò chuyện của mình cho mục đích đào tạo, bạn có thể từ chối thu thập dữ liệu bằng cách điền vào biểu mẫu này.
- Tạo mật khẩu mạnh cho tài khoản ChatGPT để người khác không thể xâm nhập, và xem lịch sử trò chuyện của bạn.
- Xóa lịch sử trò chuyện theo định kỳ. Bằng cách này, ngay cả khi ai đó cố gắng truy cập vào tài khoản, họ sẽ không thể đọc được bất kỳ cuộc trò chuyện nào trước đây.
4. Tính năng Screen Time bị lỗi khiến người dùng iPhone đau đầu
Screen Time (thời gian sử dụng màn hình) là tính năng cho phép người dùng giới hạn thời gian sử dụng iPhone của con trẻ. Tuy nhiên, theo WSJ, một số phụ huynh đã phản ánh về việc tính năng này đang bị lỗi, nghĩa là trẻ có thể sử dụng iPhone thoải mái, không bị giới hạn thời gian và nội dung.
Tính năng Screen Time bị lỗi khiến cha mẹ không thể quản lý thời gian sử dụng iPhone của con trẻ. Ảnh: TIỂU MINH |
Trước đây, Apple cho biết họ đã sửa lỗi này thông qua bản cập nhật iOS 16.6, tuy nhiên, lỗi này vẫn tồn tại trên iOS 17 beta.
Chia sẻ với WSJ, Apple thừa nhận sự cố đang diễn ra, đồng thời cho biết công ty rất coi trọng những báo cáo này, và sẽ tiếp tục thực hiện các bản cập nhật để cải thiện tình hình.