Theo thông tin trên mạng thì vào ngày 24-11-2017, anh D. có bán một ống kính máy ảnh 12 triệu đồng cho một khách hàng tên Vũ tại Hà Nội và nhờ dịch vụ Giao Hàng Nhanh thu hộ (COD).
Đến ngày 26-11-2017, khách hàng đã nhận được ống kính và thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, sang hôm sau hệ thống Giao Hàng Nhanh gửi tin nhắn cho anh D. báo rằng khách hàng từ chối nhận hàng. Lúc này, anh D. đã liên lạc với khách hàng để xác nhận lại, đồng thời gọi điện thoại lên tổng đài của Giao Hàng Nhanh, nhân viên cho biết có thể do lỗi hệ thống và hứa sẽ kiểm tra lại.
Sáng 27-11-2017, anh D. đã gọi điện thoại cho khách hàng để hỏi lại quy trình giao nhận. Anh Vũ cho biết nhân viên Giao Hàng Nhanh tên Nguyễn Trung Kiên đã đến giao vào lúc 6 giờ chiều Chủ nhật (26-11) và không kêu ký nhận bất cứ giấy tờ gì, đồng thời xin lại hộp đựng ống kính máy ảnh để về báo cáo hệ thống?! May mắn thay, camera tại nhà anh Vũ đã ghi lại được toàn bộ quá trình giao hàng và thanh toán.
Không lâu sau, nhân viên giao hàng gọi điện thoại lại cho anh Vũ và nói rằng có một đơn hàng 12 triệu bị nhầm, nếu có ai gọi giao thì anh từ chối dùm em.
Sáng 28-11, anh D. đã gọi điện thoại lên tổng đài Giao Hàng Nhanh và kể rõ câu chuyện. Nhân viên kiểm tra và báo lại rằng hàng vẫn còn nằm trong kho, đang chờ làm thủ tục để hoàn trả.
Quá bức xúc, anh D. đã đưa cho công ty xem video ghi lại cảnh giao nhận tại nhà khách hàng, ngay lập tức công ty yêu cầu kiểm tra gói hàng tại kho và phát hiện trong hộp không có ống kính mà thay vào đó là lon bia. Rõ ràng nhân viên giao hàng đã cố tình "hô biến" ống kính máy ảnh thành lon bia và gửi hàng lại kho nhằm chiếm đoạt số tiền 12 triệu đồng.
Phía Giao Hàng Nhanh ngay lập tức đã xử lý vụ việc và hứa sẽ hoàn trả tiền trong ngày 30-11. Tuy nhiên, đến ngày 1-12 anh vẫn không nhận được tiền cũng như lời giải thích hoặc xin lỗi từ phía công ty. Đến ngày 2-12, Giao Hàng Nhanh mới làm thủ tục chuyển tiền và gửi thư tay xin lỗi khách hàng, đồng thời đuổi việc nhân viên giao nhận.
May mắn cho anh D. là quá trình giao nhận hàng đã được camera quan sát ghi lại toàn bộ, nếu không rất khó để anh có thể nhận lại được tiền bởi quá trình lưu hàng trong kho sẽ diễn ra trong vài ngày, sau đó hàng được chuyển về Sài Gòn và tiếp tục qua vài phân đoạn mới trả về cho người bán, lúc này sẽ khó để biết được "sự cố" xảy ra ở đâu.
Nếu không nhận được tin nhắn báo sớm của hệ thống, nếu không có video ghi lại cảnh giao hàng thì gần như anh D. sẽ rất khó lấy lại tiền.
Khách hàng phản ánh trên mạng
Kinh nghiệm ở đây là khi gửi hàng người bán nên kê khai giá trị món hàng, đồng thời đánh dấu vào mục Đồng kiểm, nghĩa là bên giao và bên nhận phải cùng kiểm tra hàng để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Trường hợp tráo hàng có bị xem là chiếm đoạt tài sản không? Đầu tiên cần xét đến dấu hiệu của hành vi phạm tội, trong trường hợp này việc anh nhân viên giao hàng đã giao hàng và đã nhận tiền từ người mua nhưng lại có hành vi đánh tráo hàng bằng lon bia và nói rằng người mua từ chối nhận hàng nhằm chiếm đoạt số tiền mà người mua đã thanh toán. Trong trường hợp này rõ ràng là nhân viên chuyển phát nhanh đã có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền từ khách hàng, vì vậy có căn cứ để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm". Tùy tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Trường hợp công ty giao hàng nhanh không bồi thường thiệt hại thì có bị xử lý không? Trong trường hợp này việc trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về công ty giao hàng nhanh vì theo quy định tại điều 584 của Bộ luật dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Nếu trong trường hợp công ty giao hàng nhanh không bồi thường cho khách hàng có nghĩa là công ty đã vi phạm theo quy định tại điều 584 của Bộ luật dân sự 2015 nên khách hàng hoàn toàn có căn cứ chứng minh công ty giao hàng nhanh vi phạm pháp luật và có thể tiến hành nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi mà công ty đặt trụ sở. Nếu không có camera làm bằng chứng thì người gửi dùng cách nào để bảo vệ minh? Trong trường hợp không có camera chứng minh cho sự nhận hàng của người mua thì trên thực tế người bán khi tiến hành các giao dịch mua bán thông quá dịch vụ giao hàng nhanh thì cần lưu ý về quy trình giao nhận của công ty dịch vụ. Cụ thể là khi người bán giao hàng cho công ty giao hàng nhanh và khi công ty giao hàng nhanh gửi hàng cho người mua thì cần có đầy đủ chứng từ như biên nhận, biên lai theo đúng quy định và có chữ kí của người giao hàng. Bên cạnh đó, khi người mua đã nhận được hàng và trả tiền cho người giao hàng thì nên thông báo ngay cho người bán để xác nhận đã giao dịch thành công để người bán có thể liên hệ với công ty giao hàng nhanh nhận lại tiền đã bán hàng hóa. Luật sư Khưu Thanh Tâm, Công ty luật TNHH Giải Pháp Việt |