“Tôi đang ở sân bay, hết tiền xài, nhờ bạn chuyển khoản cho tôi vay vài trăm ngàn”, “Mình đang kẹt, nạp giúp cho mình 200 ngàn vào thẻ game, sẽ trả lại sau”, “Điện thoại hết tiền, mình đang bận không nạp được, nhờ mua thẻ chuyển mã qua mail cho mình nhé”… Khi nhận được yêu cầu như trên, một số người tưởng rằng người quen cầu cứu, sốt sắng nạp thẻ điện thoại, tài khoản game..., thế là bị lừa.
Bỗng dưng mang nợ
Anh Lê Minh Truyền, một nhân viên văn phòng ở quận 6 (TP.HCM), đang lo lắng vì địa chỉ mail của anh bị hacker tấn công và nhân danh anh để lừa đồng nghiệp.
Cụ thể vào ngày 12-7, một người bạn của anh Truyền được nhờ nạp hơn 10 triệu đồng qua loại thẻ chơi game. Sau khi nạp xong, đợi mãi không thấy anh Truyền mang tiền đến trả, bạn anh điện thoại hỏi mới tá hỏa.
Chị Ngô Như Quỳnh ở Hà Nội kể: “Tôi có người bạn trong TP.HCM, thường trao đổi công việc qua nick chat. Nhân dịp Viettel khuyến mãi, anh chat nhờ mua hai thẻ Viettel mệnh giá 200.000 đồng. Chờ mãi không thấy anh chuyển khoản trả tiền, tôi điện thoại hỏi thì anh ngạc nhiên trả lời không có nhờ mua thẻ”.
Trường hợp chị Thúy Anh bị kẻ lấy trộm nick người quen và nói với chị email đang gặp sự cố nên mượn mật khẩu của chị, ngoài ra kẻ lạ còn nhờ chị nạp thẻ điện thoại 100.000 đồng. Sau đó không thấy trả nick, chị Anh bực mình gọi bạn mới biết bạn mình mất nick và cũng mất tiền y như chị.
Người dùng mạng cần bảo mật để bảo vệ mình. (Ảnh minh họa)
Những trường hợp trộm nick Yahoo để lừa tiềnxuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng mạng. Có người mất tiền nhưng cũng có số người cảnh giác nên thoát nạn. Riêng các chủ nick thì chỉ biết kêu trời vì bỗng dưng thiếu nợ, bị bạn bè nghi ngờ, chưa kể đến hàng loạt hậu quả đáng tiếc khác.
Hiểm họa từ kẻ trộm vô hình
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Truyền thông Công ty VNG, cho biết gần đây nhiều khách hàng phản ánh tình trạng bị hacker truy nhập vào địa chỉ email và nick chat cá nhân để lừa người quen có trong danh sách nạp ZingXu. Khi hacker tấn công vào tài khoản email (Yahoo, Gmail,...) thì có thể đánh cắp được mật mã và truy cập vào hộp email hay tài khoản chat, kế đó thu thập thông tin, tìm hiểu các mối quan hệ của chủ tài khoản để thực hiện hành vi lừa đảo. Đặc biệt, hacker nhắm vào những người đang ở nước ngoài thường hay nhờ bạn bè, người thân trong nước nạp thẻ giúp bằng cách cào thẻ sau đó gửi mã số qua chat.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, hiện tượng trộm nick, địa chỉ email là hết sức nguy hiểm, cần cảnh báo cho cộng đồng. Nếu ở các cơ quan, tổ chức, một cá nhân có ý đồ xấu có thể lấy nick của người có chức vụ cao có nhiều thông tin mật thông qua mạng nội bộ thì hiểm họa không thể lường nổi.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng BKIS, kẻ xấu có thể ăn cắp tài khoản của người khác bằng cách cài phần mềm ghi ký tự từ bàn phím keylogger hay thông qua email dụ nạn nhân điền mật khẩu. Hoặc kẻ trộm có thể tấn công từ xa thông qua các tình huống lây nhiễm virus qua nick chat, từ đó xâm nhập vào trộm mật khẩu và thay đổi thông tin. Sau đó, kẻ gian đăng nhập vào tài khoản ăn cắp để lừa bạn bè của nạn nhân.
Một nhân viên tư vấn của Yahoo! Việt Nam cho rằng việc xác định đối tượng là có thể nhưng rất khó xác định ai xấu, ai tốt, ai là chủ của địa chỉ email vì địa chỉ đã thay đổi thông tin. Việc xác định manh mối và hành vi lừa đảo chỉ có thể thực hiện sau khi lực lượng an ninh vào cuộc.
Có nhiều giải pháp để bảo vệ Người dùng Internet nên chọn mật khẩu nhiều ký tự gồm cả chữ cái và số, không để chế độ “ghi nhớ mật khẩu” khi dùng máy tính công cộng. Không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau và bảo vệ mật khẩu như chìa khóa nhà của mình. Không nên click vào những đường link không rõ ràng hoặc vào các địa chỉ web lạ. Không nên cung cấp mật khẩu cho người khác dù bất cứ lý do gì. Ngoài ra, người dùng cần trang bị những công cụ cần thiết như phần mềm diệt virus, phần mềm bảo mật để chống hiểm họa. Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Giám đốc bộ phận An ninh mạng BKIS |
NHƯ VŨ