Cho tới trung tuần tháng 7-2017, ba nhà mạng di động lớn nhất ở Việt Nam là Vinaphone, MobiFone và Viettel đều đã chính thức cung cấp dịch vụ kết nối với công nghệ mạng 4G/LTE. Phải chăng cũng đã tới lúc chúng ta nghĩ tới thế hệ công nghệ di động tiếp theo là 5G? Công nghệ luôn phải liên tục phát triển Next Generation (thế hệ kế tiếp).
4G vẫn chỉ “ngon trong quảng cáo”
Chắc chắn có không ít người cho rằng mạng 4G còn chưa ra ngô khoai gì, nghĩ chi tới 5G cho nó thêm rách việc.
Thực tế quả là như vậy. Cho tới nay mới chỉ có mạng Viettel công bố đã hoàn tất phủ sóng 4G trên toàn quốc với số lượng trạm BTS 4G “khủng” - 36.000 trạm phủ khắp các tỉnh, thành. Hai nhà mạng kia vẫn còn đang lẹt đẹt, ngay tại nội thành TP.HCM mà cũng mới chỉ có một ít nơi có sóng 4G.
Điều đáng quan tâm là ở những nơi đã phủ cũng bắt đầu giẫm phải dấu chân cũ của 3G (từng bị gọi là “3G lết”) mà chất lượng chập cheng, sóng phập phù. Càng gây bức xúc hơn khi kết nối 4G ngốn dung lượng data như “rồng hút nước” (đồng nghĩa với liên tục cháy tài khoản) và thiết bị bị hao pin. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề kỹ thuật và công nghệ mạng 4G ở ta vẫn chưa hoàn thiện.
Theo trang Buzzmetrics (6-2017), các thảo luận của người dùng về mạng 4G ở Việt Nam trên các mạng truyền thông xã hội cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 11-2016 đến 4-2017 còn nhiều ý kiến không hài lòng với cung cách cung cấp dịch vụ 4G của các nhà mạng. Tốc độ lúc nhanh lúc chậm, nhiều người chưa thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa 3G và 4G, nhất là do cách làm ăn của 4G là “bán data” nên khi hết dung lượng tốc độ cao của gói cước, việc tiếp tục truy cập Internet cũng “đứt dây chuông” (không thể tiếp tục truy cập với tốc độ chậm hơn như 3G).
Các chuyên gia lâu nay vẫn cảnh báo rằng mạng 4G sẽ chẳng đem lại lợi ích và sự hấp dẫn thật sự cho người dùng nếu như các nhà phát triển phần mềm ứng dụng không khai thác các ưu thế về data và tốc độ của 4G để làm cho kho ứng dụng thêm phong phú hơn. Quả thật là với các ứng dụng lâu nay vẫn chạy tốt trên 3G, nhiều người hầu như không nhận ra có sự khác biệt nào đáng kể khi chạy với mạng 4G. Mọi thứ dường như trông chờ vào thế hệ mạng kế tiếp đó là 5G.
Chỉ có kết nối 5G mới có thể giúp người dùng quản lý toàn bộ hệ thống thông minh trong nhà trong tương lai. Ảnh: INTERNET
5G cho cuộc cách mạng công nghiệp mới
Công nghệ mạng 5G vào thời điểm giữa năm 2017 đã là một hiện thực rồi và ở các nước khác dường như đã qua giai đoạn thử nghiệm.
Vào cuối tháng 10-2015, SK Telecom (Hàn Quốc) tuyên bố họ sẽ là nhà mạng đầu tiên của thế giới cung cấp dịch vụ 5G. SK Telecom đã trình diễn tốc độ 5G có thể đạt tới 19,1 Gbps. Với tốc độ như vậy, bạn chỉ mất một giây để tải một bộ phim HD có dung lượng 2 GB. Cũng vào thời điểm trên nhà mạng di động Verizon Wireless ở Mỹ loan báo kế hoạch bắt đầu thử nghiệm 5G trong năm 2016, mạng 5G của họ sẽ đạt tốc độ thực tế nhanh gấp 30 tới 50 lần so với tốc độ 4G LTE đang cung cấp. Nhà mạng Telstra của Úc cũng cam kết vào năm 2020 sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G. Chính phủ Anh cũng loan báo kế hoạch làm nước này thành một nước đi đầu về mạng 5G.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa bắt đầu với nền tảng là những công nghệ người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, điện toán lượng tử, sinh học, Internet cho vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái,… Mạng 4G chắc chắn sẽ bị đuối trước nhu cầu cung cấp kết nối cho mọi vật, chẳng hạn như những chiếc xe không người lái. Và công nghệ di động 5G với đặc trưng hỗ trợ AI và IoT chính là một thành tố của nền tảng công nghiệp 4.0. Mạng 5G sẽ thay đổi bộ mặt Internet, đem lại những lợi ích không thể hình dung nổi cho việc kết nối Internet. Với tốc độ 5G ở cấp độ Gbps trở lên, các thể loại cáp quang hiện nay cứ phải gọi 5G là “cụ tổ” (gói cước tốc độ cao nhất là F8 của VNPT FiberVNN cũng chỉ ở mức 150 Mbps mà giá đã 9,6 triệu đồng/tháng).
Việt Nam đã tuyên bố nhập cuộc cùng cách mạng công nghệ lần thứ tư. Mà như đã nói, nền tảng công nghệ 4.0 không thể thiếu mạng 5G. Hy vọng rằng các nhà mạng di động trong khi triển khai phủ sóng 4G cũng nhìn xa trông rộng, dọn đường sẵn cho công nghệ 5G mà chắc chắn sẽ phải có mặt nhanh hơn so với từ 3G lên 4G.
Các nhà sản xuất thiết bị đã sẵn sàng Vào tháng 1-2017, Qualcomm đã công bố nền tảng di động Snapdragon 835 được tích hợp modem Snapdragon X16 LTE là modem LTE cấp gigabit được công bố đầu tiên trên thế giới. Tại triển lãm công nghệ CES 2017 ở Las Vegas (Mỹ) hồi đầu tháng 1-2017, hãng Intel đã công bố chip modem 5G đầu tiên của mình và dự kiến sẽ có trên những chiếc smartphone vào năm 2018 hay sau đó một chút. |