Mạng nhỏ trầy trật
Đợt sóng giảm cước mạnh đầu tháng 6 của 3 mạng di động lớn đã khiến cho các mạng nhỏ điêu đứng.Vietnamobile sau một thời gian ngắn cũng đành “lao” theo cuộc đua giảm cước, kế đến là tuyên bố giảm theo của EVNTelecom. Còn S-Fone đến tận thời điểm này, vẫn chưa thấy động thái gì rõ rệt.
Trong một cuộc trao đổi không chính thức gần đây, ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành của S-Fone cũng dè dặt hé lộ việc mạng này đang xem xét khả năng chọn lọc một số gói cước để giảm giá.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng tỏ ra khá thắng thắn trong việc khẳng định rằng: Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc giảm giá cước không phải là mục tiêu hàng đầu của mạng này… Thực tế, nhận định trên của ông Sơn không phải thiếu cơ sở khi S-Fone hiện vẫn chật vật chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Sau 6 năm trời chính thức hoạt động với giá cước rẻ hơn các mạng di động lớn, nhưng đến bây giờ, số thuê bao của mạng này vẫn chỉ dừng lại khiêm tốn ở con số 4 triệu.
Quay trở lại Vietnamobile, mạng GSM mới được “tái sinh” từ mạng CDMA HT Mobile trước đây và đi vào hoạt động được gần 3 tháng, vẫn còn quá sớm để kết luận về hiệu quả kinh doanh. Nhưng tại thời điểm thị trường đang gần tới mức bão hòa về các yếu tố thuê bao, mặt bằng giá cước, các “nước đi” của Vietnamobile vẫn chưa tạo được ấn tượng rõ rệt trên thị trường.
Hai mạng di động nhỏ đang kinh doanh trầy trật này đều hoạt động theo mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC (Business Cooperation Contract), từ lâu đã là chủ đề nghiên cứu và bàn luận của giới viễn thông. Bên cạnh yếu tố khách quan là về thị trường máy đầu cuối CDMA còn quá hạn chế, liệu nguyên nhân khiến các mạng nhỏ kinh doanh khó khăn chính là mô hình BCC đã không còn hợp thời?
Mô hình kinh doanh đã lỗi thời?
Giáo sư kinh tế học người Mỹ gốc Việt Augustine Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo Quốc tế Stellar Management, khẳng định: “Hợp đồng BCC giữa SK Telecom và Sài Gòn Postel của Việt Nam được phía bạn coi là một khó khăn bế tắc cần được khắc phục. Nhất là khi số vốn đầu tư của đối tác nước ngoài lên cao nhưng mọi quyết định có tính chất pháp lý như việc sử dụng con dấu, quyết sách cuối cùng,… lại nằm trong tay đối tác trong nước. Khi không có tư cách pháp nhân nào trong tay, đồng nghĩa với việc các đối tác nước ngoài hầu như không có thế mạnh và cũng không mặn mà với việc tiếp tục rót vốn đầu tư để phát triển mạng.”. Chính vì vậy, hợp đồng BCC S-Fone dần đi đến chỗ bế tắc.
Với BCC giữa Hanoi Telecom và đối tác nước ngoài Hutchison, sự thất bại của mạng HT Mobile chính là một “cú ngã ngựa về công nghệ” mà theo nhiều nhận định của các chuyên gia, thậm chí của cả chính những người trong BCC này thì “bên cạnh yếu tố công nghệ, sự quá cầu toàn đến mức chậm chạp của các bên đối tác trong BCC trước khi đưa ra một quyết sách cũng là một nguyên nhân lớn của thất bại”.
Khách hàng bị vạ lây
Mô hình kinh doanh BCC đã lỗi thời không chỉ gây khó khăn trực tiếp cho phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, mà vô hình trung còn gây nên không ít bất lợi cho cả phía người sử dụng dịch vụ.
Mặc dù sở hữu công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO tiên tiến, nhưng do những cản trở từ mô hình BCC, nên hầu như trong suốt một thời gian dài, khách hàng của S-Fone vẫn chưa được hưởng nhiều tiện ích từ công nghệ này. Một số dịch vụ như: (VOD - Video On Demand), ca nhạc theo yêu cầu (MOD - Music On Demand), Live TV, Mobile Internet... là những dịch vụ truyền thống của mạng này từ năm 2006. Tuy nhiên, gần 3 năm sau, mạng này cũng chưa đưa ra được thêm “món mới” nào thật sự nổi bật để phục vụ các khách hàng của mình.
Việc thiếu vốn đầu tư đã được chính một đại diện cấp cao của S-Fone thừa nhận “ là một trong những lý do chính để mạng không giành được giấy phép 3G vì số tiền đặt cọc cũng như sự quan tân của các đối tác (chủ yếu là phía Hàn Quốc) chưa mặn mà, trong bối cảnh S-Fone vẫn còn là BCC…”. Điều đó cũng đồng nghĩa là trong 7 mạng di động hiện hành, duy nhất thuê bao của S-Fone sẽ không được hưởng thêm nhiều tiện ích vượt trội từ dịch vụ 3G được triển khai trên tần số 1900 Mhz-2100 Mhz.
Còn về HT Mobile, “cuộc thay máu công nghệ” chuyển từ CDMA sang GSM của mạng này đã trở thành hiện tượng “xưa nay hiếm” trong lịch sử viễn thông Việt Nam. Chính vì vậy, việc này đã gây nên cú sốc lớn đồng thời cũng gây phiền toái cho các thuê bao HT khi phải tự ra các điểm chuyển đổi để làm thủ tục “đăng ký tạm trú” (tạm chuyển sang S-Fone) hay “đăng ký hội ngộ” (tại mạng GSM Vietnamobile hiện nay). Nếu không đăng ký giữ số từ khi HT Mobile ngừng hoạt động trong năm 2008, các thuê bao sẽ mất cơ hội giữ lại số liên lạc cũ của mình.
Liên doanh sẽ tháo gỡ bế tắc?
Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, đã đến lúc các Hợp đồng BCC cần được thay thế bởi các mô hình kinh doanh khác cho phù hợp với nhu cầu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đối tác theo các luật lệ và quy định hiện hành! Ông cũng chỉ ra rằng: “Mô hình liên doanh trong viễn thông hiện nay là một hình thức hợp tác tiên tiến hơn hẳn mô hình BCC. Với mô hình liên doanh, sự phân định về quyền lợi và trách nhiệm rất rõ ràng và các bên trong liên doanh sẽ cùng phát triển vì được bảo vệ theo Luật Doanh nghiệp!”
Lẽ dĩ nhiên, không phải là các bên, đặc biệt là các đối tác nước ngoài, không nghĩ đến sự chuyển đổi và hình thức liên doanh. Ông Do Hoon, một đại diện cấp cao của SK Telecom tại VN cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành đàm phán với phía đối tác SPT từ năm 2006 về vấn đề chuyển đổi. Với mô hình liên doanh, chúng tôi có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng…”
Cũng theo ông Do Hoon, hình thức liên doanh mới sẽ cực kỳ thuận tiện trong việc phát triển một số dịch vụ giá trị gia tăng, phát huy tính ưu việt của công nghệ CDMA “Tuy nhiên đến tận thời điểm này (tháng 6 năm 2009- PV), chúng tôi vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung”- Ông Do Hoon cũng khá thẳng thắn trả lời khi được hỏi về tiến trình đàm phán. Bên cạnh đó, ông cũng không ngại khi thể hiện quyết tâm: “SK Telecom sẽ cố gắng chuyển đổi mô hình từ BCC sang liên doanh xong trong năm 2009!”.
Còn về phía BCC mới giữa Hanoi Telecom và Hutchison là Vietnamobile, tuy chỉ chính thức hoạt động hơn 2 năm, nhưng đến thời điểm này, sau cuộc chuyển đổi công nghệ, Vietnamobile cũng đã bắt đầu nhấp nhổm tiếp về một cuộc chuyển đổi: chuyển đổi về mô hình kinh doanh. “Giấc mơ liên doanh” cũng chính là điều mà trong một cuộc trao đổi gần đây nhất, một đại diện truyền thông của nhà mạng này cũng không ngần ngại thừa nhận.
Phép thử đầu tiên của GTel
"Ẩn số" Gtel cuối cùng cũng đã thông báo ra mắt một mạng di động mới vào đầu tháng 7/2009 với tên gọi Beeline – thương hiệu của Tập đoàn Vimpelcom (Nga) trong liên doanh với GTel.
Sự lộ diện của Beeline với tư cách là một mạng liên doanh quốc tế đầu tiên tham gia thị trường VN được dự báo sẽ kéo theo những chuyển biến cạnh tranh sôi động hơn trong nhóm các mạng di động nhỏ.
Về góc độ quyền lợi của khách hàng, Giáo sư Hà Tôn Vinh cũng phân tích thêm: "Người tiêu dùng sẽ ngày càng được hưởng lợi. Các mạng lớn trong nước đang phải cạnh tranh nhau và cũng nhằm mục tiêu “đánh phủ đầu” các đối thủ mới nên sẵn sàng đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi sốc. Các mạng nhỏ hơn vì không muốn bị tụt hậu nên cực chẳng đã cũng sẽ lao theo đà khuyến mãi này".
Tuy nhiên, liệu mô hình hợp tác liên doanh có thực sự đủ “lợi hại” để tạo nên một sự khác biệt trong cuộc đua của các mạng di động nhỏ, hay cũng sẽ lại bị quấn vào vòng luẩn quẩn trầy trật như các mạng nhỏ hiện nay? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.
Theo Bích Ngọc (VNN)