Ảnh minh họa
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT tại Việt Nam không ít, song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực CNTT. PGS Bùi Thế Duy đến từ trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, lấy ví dụ Công ty VTC Intecom đăng tuyển 2.000 người nhưng chỉ tuyển chưa được 100 người, và trong số đó chỉ 20-30 người làm được việc. Nguyên nhân có thể nằm ở chỗ nhân lực CNTT nhưng chỉ có kiến thức CNTT “là không đủ”, mà cần nhiều kỹ năng, kiến thức về các chuyên ngành khác. Những kiến thức, kỹ năng đó càng đặc biệt quan trọng với ngành dịch vụ CNTT, một ngành còn khá mới ở Việt Nam song đang có xu hướng tăng lên trên thế giới.
“Rõ ràng xu hướng thế giới đang chuyển nhiều sang nền dịch vụ”, ông Duy nói và cho biết một số tập đoàn CNTT hàng đầu như Intel, Microsoft, IBM bắt đầu chọn Việt Nam như một đối tác để phát triển thị trường cung cấp dịch vụ CNTT cho toàn cầu. Từ 2 năm nay, IBM cùng 1 số công ty lớn trên thế giới hợp tác với các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. HCM, để giới thiệu chương trình dịch vụ CNTT. Hiện nay, hầu hết các trường đại học hàng đầu trên thế giới đều triển khai chương trình cử nhân dịch vụ CNTT. “Nếu chúng ta chậm trong mảng này sẽ rất tụt hậu về CNTT so với thế giới”, PGS Bùi Thế Duy nói.
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang tiến hành triển khai đào tạo chuyên ngành Dịch vụ CNTT với sự hỗ trợ của IBM. Nhân lực ngành dịch vụ CNTT phải hiểu sâu về các ngành khác. Theo ông Duy, trường sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức sâu về CNTT, rộng về quản lý, kinh doanh, xã hội, đào tạo cán bộ giảng dạy các môn học có tính liên kết giữa CNTT và kinh tế, quản trị kinh doanh.
Ông Duy cho biết chuyên ngành dịch vụ CNTT sẽ được triển khai trong năm học 2010-2011. Với chuyên ngành này, 2 năm đầu, sinh viên vẫn học các môn cơ bản như lập trình nâng cao, cơ sở dữ liệu, công nghệ phần mềm, mạng máy tính… Các năm học sau sẽ học các môn mới như khoa học dịch vụ, quản lý gia công (outsourcing), kiến trúc hướng dịch vụ - đây là những kiến thức trước đây chưa được đào tạo hoặc đào tạo chưa bài bản trong nhà trường.
“Việt Nam với lượng nhân lực lớn, có tri thức không nên chỉ hướng đến các công việc gia công, mà phải hướng đến thị trường CNTT ở mức cao hơn, tạo ra thu nhập cao hơn”, ông Duy nói và cho rằng các trường đại học có các ngành đào tạo về CNTT cần quan tâm thêm định hướng dịch vụ CNTT, giúp đào tạo tốt hơn theo nhu cầu xã hội. Điều đó có nghĩa các trường cần chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức để hướng đến những công việc về CNTT có định hướng quản lý và kinh doanh.
Theo Anh Minh (ICTnews)