Theo bà Huyền, hiện nay, quy định đối với các DN nước ngoài cung cấp thông tin công cộng gần như không có quy định nào, trong khi ảnh hưởng tới người tiêu dùng là như nhau giữa các DN nước ngoài và DN trong nước. Thông tư lần này đảm bảo những quy định cơ bản để bảo vệ người tiêu dùng VN, đặc biệt là bảo vệ trẻ em.
Thông tư lần này quy định cụ thể hơn những quy định của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Có nhiều nội dung cấm, tuy nhiên không phải nội dung nào cũng có thể giải thích rõ ràng, mà phải tùy vào từng trường hợp. Đối với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với internet, bà Huyền nói, quốc gia nào cũng áp dụng trong trường hợp cần thiết để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy vậy, nhiều đại biểu cho rằng, có thể thông tư lần này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh internet và khả năng thu hút đầu tư của VN.
CEO Vinalink Tuấn Hà
Ông Tuấn Hà, CEO của Vinalink đồng ý rằng, thông tư này để bảo vệ lợi ích quốc gia trên môi trường internet, tuy nhiên, sự cân đối lợi ích chung và lợi ích riêng là điều cần phải tính đến. Nghị định 72 và thông tư lần này có quy định về tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội (MXH) có lượng thành viên là người VN từ 5.000 người trở lên thì phải có đại diện pháp lý tại VN. Ông Tuấn Hà cho biết, có tới 28 loại hình MXH, có những MXH ứng dụng có tới 100.000 thành viên VN, nhiều trang ứng dụng có tới 10 triệu lượt tải về, nhưng chỉ có khoảng 5.000 lượt từ VN. Các DN lớn tại nước ngoài thường không quan tâm đến thị trường VN. “Vậy làm sao buộc các DN này phải có đại diện pháp lý tại VN?”, ông Tuấn Hà đặt câu hỏi.
Hay quy định những trang mạng phải có một triệu lượt truy cập từ VN, sử dụng ngôn ngữ VN cũng khó thực hiện được với các DN kinh doanh internet ở nước ngoài. Ông Tuấn Hà đề nghị nên quy định về các hành vi vi phạm hơn là dùng các biện pháp kỹ thuật để chế tài. Đặc biệt, những quy định tại thông tư không nên áp dụng với các trang tin điện tử và MXH chuyên ngành. Bởi những trang này đã tự có cơ chế kiểm duyệt rất tốt.
Ông Alex Long, Đại diện Liên minh Internet Châu Á, AIC
Phát biểu với tư cách đại diện cho Liên minh Internet Châu Á, ông Alex Long, Giám đốc đối ngoại và chính sách Công ty Google Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: không nhiều quốc gia đưa ra danh sách các điều cấm cũng như không có từng quy định riêng cho từng sản phẩn internet. Ông Alex Long khuyến nghị nên quản lý internet theo hướng quản lý các nguy cơ tiềm ẩn hơn là những quy định cụ thể. Chẳng hạn như quy định về những thông tin bạo lực, vi phạm đạo đức… Những thông tin này, chính môi trường internet cũng không chấp nhận.
Ông Alex Long quan ngại có thể thông tư này sẽ khiến nhiều DN internet cân nhắc khả năng tiếp cận thị trường VN, dù họ rất muốn. Bởi lẽ, internet là một môi trường năng động, luôn biến đổi nên những quy định cụ thể đối với môi trường này rất khó thực hiện. Những quy định về đăng ký pháp nhân, gỡ bỏ thông tin… ít nhiều cũng gây quan ngại cho các DN nước ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, VCCI, cho rằng, internet đối với DN cũng quan trọng như đường sá, và việc kinh doanh internet cũng phải tuân thủ Luật Đầu Tư 2014. “Một số quy định trong thông tư thực chất là các điều kiện kinh doanh. Trong khi Luật Đầu tư quy định, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND, HĐND các cấp, cơ quan, tổ chức cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Một số nội dung của thông tư cần phải được quy định ở cấp Nghị định trở lên”, ông Tuấn cho hay.