Thị trường kinh doanh điện thoại thông minh của Việt Nam giảm kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Qúy I-2023 thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Counterpoint Research, quý I-2023 thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành.

Báo cáo cho biết, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) đã bị tác động bởi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Cũng chính vì thế, các cửa hàng bán lẻ đã phải tạm dừng kế hoạch mở rộng thị phần và đánh giá lại chiến lược kinh doanh của mình. Chưa kể, nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành phải giảm giờ làm và giảm thu nhập của nhân viên.

Báo cáo cũng ghi nhận, kể từ sau Tết Nguyên đán lượt khách đến các cửa hàng bán lẻ điện thoại khá thấp.

“Lúc đầu, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) dự báo sai nhu cầu, dẫn tới tình trạng hàng tồn kho rất cao. Sau đó, khi nhận ra nhu cầu thực tế khá yếu, họ lại đổ xô bán giảm giá để xả hàng tồn kho. Tất cả các hãng điện thoại đều giảm về doanh số trong quý 1/2023, ngoại trừ Apple”- báo cáo của Counterpoint Research nêu rõ.

Ông Glen Cardoza, Chuyên viên phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, dự báo: “Tình hình tiêu thụ smartphone ở Việt Nam sẽ khó phục hồi trong quý II-2023, và sẽ cần thêm nhiều thời gian để phục hồi trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức và tâm lý tiêu dùng chưa hoàn toàn phục hồi. Rất có thể vào cuối năm 2023 nền kinh tế bắt đầu cải thiện, thì thị trường điện thoại thông minh mới có thể hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, nhất là ở phân khúc giá thấp”.

Theo đó, thống kê về sức mua đối với các dòng sản phẩm smartphone, Samsung là thương hiệu dẫn đầu về doanh số trong quý I-2023 với 30% thị phần, dù doanh số bán hàng đã giảm 32% so với cùng kỳ.

Thị trường mua sắm điện thoại thông minh tại Việt Nam đang giảm mạnh. Ảnh: Counterpoint Research

Thị trường mua sắm điện thoại thông minh tại Việt Nam đang giảm mạnh. Ảnh: Counterpoint Research

Trong đó chiếc Galaxy A04 là mẫu điện thoại hàng đầu trong phân khúc giá dưới 200 USD (khoảng 4,7 triệu đồng) được sử dụng rất phổ biến tại thị trường Việt Nam. Ở phân khúc giá 200 USD - 400 USD (4,7 triệu - khoảng 9,4 triệu), Samsung cũng chiếm 7 trong 10 vị trí hàng đầu, dẫn đầu là dòng Galaxy A14 5G. Đây là hai phân khúc giá được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam trong quý I-2023, chiếm 71% tổng doanh số. Đánh giá của các nhà nghiên cứu thị trường chỉ ra, chính sự đa dạng trong các phân khúc và sản phẩm đã giúp Samsung trở thành thương hiệu dẫn đầu về sức mua tại thị trường Việt Nam trong quý I-2023.

Xếp thứ nhì về thị phần là thương hiệu Oppo, với dòng sản phẩm A17 đã trở nên phổ biến kể từ khi ra mắt vào quý IV-2022. Theo thống kê, chỉ riêng hai dòng sản phẩm Oppo A17 và A17K đã chiếm 24% tổng số lô hàng Oppo xuất xưởng trong quý I-2023.

Xếp hạng thị phần ngay sau đó là Apple. Đây cũng là hãng điện thoại thông minh ghi nhận nhu cầu cao khi hãng ra mắt dòng sản phẩm Iphone 14 Pro, dẫu vậy nhu cầu này nhanh chóng hạ nhiệt. Theo ghi nhận, trong quý I-2023, giá Iphone 14 Pro Max bị giảm trung bình 12% so với mức giá lúc ra mắt. Phía hãng cũng bất ngờ tung ra các đợt giảm giá để kích cầu mua sắm cũng như giải phóng hàng tồn kho trên các kênh. Nhưng cũng chính vì giảm giá, mà doanh số Iphone của Apple đã tăng 12% so với cùng kỳ. Điều này cũng giúp điện thoại phân khúc giá trên 600 USD chiếm 24% tổng doanh số trong quý I-2022, cao hơn mức 17% so với cùng kỳ.

Trên thực tế, tại thị trường bán lẻ Việt Nam, giá Iphone đã trải qua nhiều biến động giá, các chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam cũng phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về giá cả sản phẩm này.

Đơn cử tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, bà Nguyễn Bạch Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail cũng đánh giá iPhone Việt Nam đang có mức giá thấp nhất thế giới và các đơn vị kinh doanh hầu như đang lỗ. Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn phải làm, các bên hạ giá buộc phía công ty phải hạ theo.

Dù vậy, bà Điệp cũng phải cho rằng, cuộc chiến về giá, không phải là bài toán hay, mà đây là bài toán ngắn hạn. "Thị trường hạ giá, chúng tôi cũng phải hạ để bán được hàng"- bà Điệp nói.

Tiếp đến, hai thương hiệu Trung Quốc Xiaomi và Vivo cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quý I-2023, doanh số của hai hãng giảm tương ứng 46% và 52% so với cùng kỳ. Điều này khiến cho hai thương hiệu trên mất dần thị phần trong quý I-2023 tại Việt Nam.

Chưa kể, thị phần từ kênh online cũng giảm 15% trong quý I-2023, nguyên nhân là do các đơn vị này giảm bớt hoạt động quảng bá tiếp thị trên kênh online.

Đọc thêm