Trước đây, các quy định an ninh quốc gia thường chỉ được áp dụng cho các hãng viễn thông, tuy nhiên chính phủ Úc đã quyết định mở rộng sang các nhà cung cấp thiết bị.
Theo tờ Financial Times và Reuters, Úc cho rằng các công ty có khả năng chịu sự chỉ đạo của chính phủ nước ngoài có thể khiến mạng lưới quốc gia bị can thiệp hoặc truy cập trái phép. Động thái trên đã cho thấy lập trường cứng rắn của Úc, dù không đề cập chính xác đến công ty nào nhưng một quan chức cho biết lệnh này nhằm vào Huawei và ngăn cản sự tham gia của công ty vào việc xây dựng mạng lưới 5G.
Khi lệnh cấm được ban hành, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc tỏ ra lo ngại về quyết định của Úc, đồng thời cho rằng quốc gia này đang cố tình tạo rào cản và phân biệt đối xử. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc từ bỏ định kiến tư tưởng và cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng cho các hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Úc”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Trước đó, Huawei cũng từng nhiều lần phủ nhận mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Động thái của Úc cũng không có gì khó hiểu bởi luật pháp Trung Quốc yêu cầu các tổ chức và công dân hỗ trợ, hợp tác với chính phủ khi được yêu cầu. Do đó, các nhà phân tích cho rằng thiết bị của Huawei có thể trở thành công cụ phục vụ cho việc gián điệp.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) cũng vừa ghi nhận Huawei có liên quan đến hành vi bí mật gửi dữ liệu từ trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia đến Thượng Hải (Trung Quốc) suốt năm năm qua.
Ông John Watters, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc chiến lược doanh nghiệp của công ty bảo mật mạng FireEye Inc chia sẻ: “(Úc) về cơ bản đã quyết định chi nhiều tiền hơn để có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hệ thống thông tin quốc gia của họ”.
Trước đó, Úc cũng đã cấm Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới cung cấp thiết bị cho việc xây dựng cáp ngầm ở Thái Bình Dương. Không chỉ riêng ở Úc, Huawei cũng đang gặp nhiều trở ngại tại Mỹ khi các nhà chức trách của nước này liên tục ban hành lệnh cấm các tổ chức chính phủ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
FBI, CIA và NSA cũng khuyến cáo người dùng tại Mỹ không nên mua bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào của Huawei vì những rủi ro riêng tư khi các công ty, tổ chức nước ngoài nắm giữ các phần quan trọng bên trong mạng viễn thông của đất nước.
Trước đó, Huawei đã cung cấp một số thiết bị gồm máy tính, hệ thống lưu trữ, WiFi và các dịch vụ khác cho trụ sở Liên minh châu Phi. Khi phát hiện vụ việc, Liên minh châu Phi đã thay thế một số cơ sở hạ tầng công nghệ. Huawei cho biết báo cáo của ASPI đang cố tình bôi nhọ công ty bởi nó vốn không phải là sự thật.
Một công ty công nghệ khác của Trung Quốc hiện cũng đã rơi vào tầm ngắm của Mỹ là ZTE. Cả Huawei và ZTE đều có liên kết rõ ràng với chính phủ Trung Quốc. Người sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei từng giữ vị trí cao trong đội ngũ kỹ sư của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và ZTE thuộc sở hữu một phần của chính phủ Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc khác như Lenovo, Xiaomi và BBK (chủ sở hữu của thương hiệu smartphone Oppo, Vivo và OnePlus) không có mối quan hệ rõ ràng với chính phủ... Tất nhiên, việc này cũng không hoàn toàn đảm bảo người dùng sẽ an toàn hoặc không bị đánh cắp thông tin. Trước đó vào năm 2015, cả Lenovo và Xiaomi đều bị cáo buộc cài sẵn phần mềm thu thập dữ liệu người dùng và gửi về máy chủ tại Trung Quốc.
Phản hồi lại các cáo buộc, Huawei cho biết họ có mặt ở hơn 170 quốc gia, nơi có sự tin tưởng của chính phủ và khách hàng. Tương tự, ZTE cũng tuyên bố: “Là một công ty công khai, chúng tôi cam kết tuân thủ tất cả luật và quy định hiện hành của Mỹ, làm việc với nhà cung cấp để vượt qua các giao thức thử nghiệm nghiêm ngặt và tuân thủ các tiêu chuẩn kinh doanh cao nhất”.
Cả Huawei và ZTE đều cho rằng Washington đối xử với họ không công bằng, phần lớn dựa trên các cáo buộc vô căn cứ.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.