Một fan bóng đá người Hàn Quốc chụp ảnh trong trận đấu giữa Nga và Hàn Quốc tại World Cup 2014 vừa qua
Dành một vài phút lướt qua Facebook, hay xem các nhóm du khách chụp ảnh tại một địa điểm du lịch, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp những bạn trẻ châu Á xinh đẹp đang mỉm cười, giơ ngón tay hình chữ V biểu tượng chiến thắng và hoà bình để tạo dáng khi chụp ảnh. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa giơ lên, lòng bàn tay hướng ra ngoài là hình ảnh tạo dáng rất phổ biến của các bạn trẻ châu Á khi chụp ảnh. Vì sao thế?
Theo tìm hiểu của tạp chí Time, cử chỉ này xuất phát từ khoảng cuối những năm 1960, song nó không thực sự phổ biến mãi cho đến cuối những năm 1980.
Một số người nói rằng cử chỉ tạo dáng hình chữ V đó bắt đầu từ Janet Lynn. Vận động viên trượt băng người Mỹ này được kỳ vọng sẽ mang về quê hương tấm huy chương vàng trong thế vận hội Olympics 1972 tại Nhật. Nhưng giấc mơ của cô gái 18 tuổi lúc đó đã tan vỡ khi cô bị ngã lúc biểu diễn. Tấm huy chương vàng trượt khỏi tầm tay. Cô biết điều đó, và đất nước Nhật Bản biết điều đó.
Nhưng thay vì nhăn nhó đau khổ, cô gái có những lọn tóc vàng bờm xờm lại mỉm cười. Thái độ duyên dáng của Lynn trái ngược với suy nghĩ kiểu "mất mặt" của người Nhật, và nó đã "ghi điểm" trong lòng người hâm mộ Nhật Bản.
"Họ không thể hiểu làm thế nào tôi có thể mỉm cười khi biết mình không chiến thắng", Lynn nói, cô đã đưa về nhà chiếc huy chương đồng. "Tôi không thể đi đâu trong ngày hôm sau mà không có rất nhiều người vây quanh. Cứ như tôi là một ngôi sao nhạc rock vậy, mọi người đưa cho tôi mọi thứ, cố gắng bắt tay tôi".
Lynn trở thành một hiện tượng trong truyền thông Nhật Bản và nhận được hàng ngàn thư của fan. Trong những lần xuất hiện trên báo chí Nhật nhiều năm sau Olympics, Lynn có thói quen giơ ngón tay hình chữ V. Và hiện tượng văn hoá tạo dáng này ra đời từ đó.
Ngoài ra, biểu tượng hình chữ V đã trở nên phổ biến trong manga – truyện tranh Nhật Bản. Năm 1968, cầu thủ bóng chày Kyojin no Hoshi, một nhân vật truyện tranh đã tranh luận với cha về một số vấn đề, và người cha đã ra dấu hiệu "V" hàm ý sự đồng thuận với con trước một trận đấu lớn. Biểu tượng chữ V được tạo ra ngay sau đó và áp dụng rộng rãi trong các chương trình TV.
Tuy nhiên, chính ngành công nghiệp quảng cáo mới thực sự khiến biểu tượng tạo dáng này trở nên phổ biến mạnh mẽ như vậy. Dù Lynn có ảnh hưởng nhất định đến sự lan truyền của kiểu tạo dáng giơ ngón tay hình chữ V, truyền thông Nhật Bản đã góp phần lớn nhất cho Jun Inoue, cô ca sỹ trong ban nhạc nổi tiếng Spiders. Inoue là người đại diện cho hãng máy ảnh Konica, và được cho là đã giúp kiểu tạo dáng hình chữ V trở thành mốt trong các bộ phim quảng cáo của Konica.
"Ở Nhật Bản, tôi thấy "lý thuyết" tạo dáng hình chữ V của Inoue Jun là lời giải thích phổ biến nhất cho nguồn gốc của kiểu chụp ảnh này", Jason Karlin, giáo sư của Đại học Tokyo và là một chuyên gia về văn hóa truyền thông Nhật Bản, nói. "Tôi nghĩ đó là minh chứng sức mạnh của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, trong thời kỳ Nhật Bản tuyên truyền cho các thị hiếu và tập quán mới".
Khi máy ảnh được sản xuất hàng loạt, và sự gia tăng đột ngột của các loại tạp chí dành cho phụ nữ và trẻ em những năm 1980, tính thẩm mỹ của kawaii – một kiểu gu thẩm mỹ dễ thương – đã nở rộ. Đột nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ chụp ảnh, và ngày càng nhiều ảnh của họ được chia sẻ. Tạo dáng hình chữ V đã thực sự nở rộ trên các nền tảng như Instagram và Facebook ngày nay.
"Tạo dáng với ngón tay hình chữ V thường được xem là một kỹ thuật giúp khuôn mặt của các cô gái trông nhỏ hơn và đáng yêu hơn", Karlin nói.
Laura Miller, một giáo sư nghiên cứu về nhân chủng học Nhật Bản tại Đại học Missouri đã nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc phổ biến hoá các cử chỉ, điệu bộ tạo dáng trong các bức ảnh. Các cô gái thường nói những từ như "piisu" (nghĩa là hòa bình trong tiếng Nhật) và làm dáng hình chữ V vào đầu những năm 1970. "Giống như rất nhiều điều khác trong văn hóa Nhật Bản, các ý tưởng sáng tạo ở Nhật Bản thường xuất phát từ những phụ nữ trẻ, nhưng họ hiếm khi được công nhận về sáng kiến cải tiến văn hóa của họ", bà nói
Khi nền văn hoá nhạc pop của Nhật Bản bắt đầu lan toả đến các nước Đông Á vào những năm 1980 (trước cả sự xuất hiện của K-pop trong thế kỷ này), tạo dáng giơ hai ngón tay kiểu chữ V khi chụp ảnh được xem là "mốt thời thượng" và du nhập đến Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ngày nay, thói quen này có bất kỳ đâu có người châu Á. Tuy vậy, hầu hết người trẻ châu Á tạo dáng như vậy khi chụp ảnh mà không hề suy nghĩ gì và thực sự bối rối khi được hỏi tại sao họ làm như thế. Một số nói rằng họ bắt chước những người nổi tiếng, một số lại nói đó là thói quen giúp họ tự nhiên hơn khi chụp ảnh. "Tôi cần làm gì đó với tay của mình", Suhiyuh Seo, một sinh viên trẻ đến từ Busan, Hàn Quốc, nói.
"Cháu không biết tại sao", cô bé Imma Liu 4 tuổi người Hong Kong nói – nhưng cô bé nói rằng em cảm thấy "hạnh phúc" khi làm như thế. Có lẽ, tất cả vấn đề nằm ở đây.
Theo Hoàng Lan (VnReview)