Android cung cấp quyền riêng tư đến mức nào?
Hệ điều hành Android dựa trên nhân Linux được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2007. Android đã trải qua nhiều lần thay đổi và đến nay đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới.
Android mã nguồn mở và miễn phí, nhưng hầu hết các mẫu điện thoại thông minh trên thị trường đều sử dụng phiên bản Android độc quyền do Google phát triển, đi kèm với một loạt ứng dụng Google được cài đặt sẵn, đơn cử như YouTube, Google Maps…
Về cốt lõi, bản thân Android không đủ riêng tư cũng như không xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Có khá nhiều nhà sản xuất đã cài đặt bộ ứng dụng riêng của họ trên thiết bị và gây khó khăn cho người dùng trong việc gỡ bỏ (nếu không có quyền root). Ngoài ra, các ứng dụng này cũng được chứng minh là không thân thiện với quyền riêng tư.
Các thiết bị Android thường được cài sẵn hàng loạt ứng dụng của nhà sản xuất. Ảnh: TIỂU MINH |
Bên cạnh đó, Google Play cũng không quá khắt khe khi phê duyệt phần mềm, do đó, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy xuất hiện hàng loạt ứng dụng độc hại trên Google Play với lượt tải xuống lên đến hàng triệu lần.
iPhone có thực sự tốt hơn cho quyền riêng tư?
Apple, hãng sở hữu những chiếc iPhone chạy iOS luôn tự hào về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng điều này có thực sự đúng hay chỉ là một chiêu trò tiếp thị thông minh?
Trong những năm gần đây, Apple đã nỗ lực thâm nhập vào thị trường phần mềm và dịch vụ, nhưng chủ yếu họ vẫn là một công ty phần cứng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Apple không có động cơ thu thập dữ liệu, nhưng dữ liệu không phải là mục tiêu kinh doanh chính của họ, và đó là tin tốt nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư.
iOS là hệ điều hành đóng nên ít bị tấn công mạng. Tất cả ứng dụng trên Apple App Store đều được phê duyệt thủ công và phải trải qua nhiều bước kiểm duyệt hơn so với Google Play, điều đó có nghĩa là bạn sẽ ít bị tấn công và thu thập dữ liệu bởi các ứng dụng độc hại.
Android và iPhone máy nào cung cấp nhiều quyền riêng tư hơn. Ảnh: TIỂU MINH |
Mặc dù vậy, nếu lướt qua chính sách quyền riêng tư của Apple, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra iPhone thu thập đủ loại dữ liệu về bạn.
Theo những dữ liệu được công khai trên trang web, thỉnh thoảng Apple cũng tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng, cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu người dùng.
Báo cáo minh bạch trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: TIỂU MINH |
Mặc dù không hoàn hảo, nhưng Apple tốt hơn nhiều về quyền riêng tư khi so sánh với các công ty công nghệ khác. Nhưng nếu công ty tiếp tục chuyển từ phần cứng sang phần mềm và dịch vụ, điều đó có thể thay đổi trong tương lai.
Nên sử dụng iPhone hay Android nếu quan tâm đến việc bảo vệ dữ liệu?
Sự thật là iPhone cung cấp nhiều quyền riêng tư hơn so với điện thoại Android.
Nếu bạn là người dùng bình thường không quan tâm đến việc cài đặt phần mềm chuyên dụng nhưng vẫn muốn giữ quyền riêng tư, hãy gắn bó với Apple. Và nếu bạn thích Android hơn, hãy xem xét các phiên bản hướng đến quyền riêng tư, đơn cử như GrapheneOS.