Hiện tại, trong thời gian đầu sẽ có tám nhóm dịch vụ công thiết yếu bao gồm: Đăng ký khai sinh, cấp/đổi giấy phép lái xe (GPLX), cấp mới điện hạ áp/trung áp, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)…
Trong quý I-2020, các bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục bổ sung 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực y tế, khai sinh, lý lịch tư pháp, đóng phạt vi phạm giao thông đường bộ, đăng ký kinh doanh… với mong muốn công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Ngoài việc giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi đi thực hiện các thủ tục các hành chính, Cổng dịch vụ công Quốc gia còn cho phép bạn kiểm tra tiến độ xử lý hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Thực hiện các thủ tục hành chính ngay tại nhà bằng điện thoại hoặc máy tính. Ảnh: MINH HOÀNG
Trong bài viết này, Kỷ Nguyên Số sẽ hướng dẫn bạn đọc cách đổi GPLX ngay tại nhà, đối với những dịch vụ khác, người dùng có thể thực hiện tương tự.
Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/, đăng nhập bằng tài khoản tương ứng. Nếu chưa có, người dùng có thể tham khảo bài viết Cách đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại http://bit.ly/dk-tai-khoan-dvc.
Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: MINH HOÀNG
Tại giao diện chính, bạn hãy chọn vào mục Phương tiện và người lái - Giấy phép lái xe - Đổi Giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp.
Cổng dịch vụ công Quốc gia hỗ trợ rất nhiều thủ tục. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, bạn hãy chọn cơ quan thực hiện là Sở GTVT của tỉnh/thành phố hoặc chọn trực tiếp bộ, ngành. Theo ghi nhận, hiện vẫn còn khá nhiều tỉnh/thành phố đang trong quá trình thực hiện chuẩn hóa dịch vụ công để tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Do đó, người dùng chỉ có thể chọn cấp lại GPLX tại một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… hoặc Bộ GTVT rồi nhấn đồng ý.
Lựa chọn cơ quan thực hiện là các sở của thành phố hoặc Bộ. Ảnh: MINH HOÀNG
Trong màn hình tiếp theo, bạn hãy nhấp vào tùy chọn Nộp trực tuyến. Lúc này, người dùng sẽ được chuyển đến trang đăng ký cấp đổi GPLX qua mạng của Sở GTVT tương ứng.
Lưu ý, trong trường hợp dịch vụ đó không hỗ trợ nộp trực tuyến, người dùng chỉ cần đọc kỹ thông tin, tải về bản khai tương ứng, điền đầy đủ thông tin, sau đó mang đến cơ quan chức năng tương ứng để nộp. Ví dụ liên quan đến GPLX thì đến Sở GTVT, Bộ GTVT… còn với thẻ BHYT thì đến cơ quan BHYT của tỉnh, huyện.
Đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng dễ hơn bao giờ hết. Ảnh: MINH HOÀNG
Việc bạn cần làm lúc này là điền đầy đủ thông tin cần thiết, sau đó gửi hồ sơ và nhận thông báo xác nhận lịch hẹn. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo cách thực hiện kỹ hơn tại bài viết http://bit.ly/doi-gplx-qua-mang.
Tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ
Việc giải quyết hồ sơ sẽ được thực hiện trong vòng năm ngày đối với cả hai hình thức là nộp trực tuyến và trực tiếp, lệ phí 135.000 đồng/lần.
Trong trường hợp muốn tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ, bạn hãy truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/, chọn vào mục Tiện ích - Tra cứu hồ sơ. Sau đó, nhập mã hồ sơ vào khung trống rồi nhấn Tra cứu.
Người dùng cá nhân và doanh nghiệp có thể tự tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ. Ảnh: MINH HOÀNG
Đến ngày hẹn, người dùng chỉ cần mang GPLX bản chính (không cần hồ sơ gốc), chứng minh nhân dân/căn cước và một bản phôtô, giấy chứng nhận sức khỏe, một tấm ảnh 3 x 4 cm và tới địa chỉ đã đăng ký ban đầu, nộp lệ phí và nhận GPLX mới.
Về cơ bản, việc gom nhóm các dịch vụ công vào một nơi và sử dụng dữ liệu chung cho phép người dùng có thể thực hiện các thủ tục hành chính ở bất cứ đâu.
Ví dụ, bạn sử dụng GPLX do Sở GTVT TP.HCM cấp, tuy nhiên khi đến hạn đổi thì lại đang sinh sống ở Hà Nội. Thay vì phải quay ngược vào TP.HCM, bạn chỉ cần chọn cơ quan thực hiện là Sở GTVT Hà Nội hoặc Bộ GTVT để tiết kiệm thời gian và công sức.