Theo thống kê của Kaspersky, các nguy cơ liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác trong năm 2022 tại Việt Nam đã giảm 25,39% so với năm 2021, với tổng số 121,5 triệu vụ được Kaspersky phát hiện và ngăn chặn.
Trong những năm qua, USB đã được tội phạm mạng sử dụng để xâm nhập vào một cơ sở hạt nhân của Iran, lây nhiễm vào hệ thống điều khiển quan trọng trong các nhà máy điện của Mỹ…
Theo báo cáo của AFP, 5 nhà báo người Ecuador đã nhận được một gói thư bên trong chứa một chiếc USB lạ có chất nổ, tự động kích hoạt khi được cắm vào máy tính.
Cảnh sát Ecuador đang điều tra ổ đĩa USB được gửi đến các phóng viên. Ảnh: Policía Ecuador |
Khi nhận được USD, phóng viên Lenin Artieda của đài truyền hình Ecuavisa ở Guayaquil đã cắm nó vào máy tính, ngay lập tức thiết bị đã phát nổ. Chia sẻ với AFP, một quan chức cảnh sát cho biết PV bị thương nhẹ ở tay và mặt, ngoài ra không có ai khác bị thương.
Theo quan chức cảnh sát Xavier Chango, ổ USB phát nổ có chứa hợp chất Hexogen (RDX hay còn được gọi là T4). RDX có thể được sử dụng làm chất nạp cơ bản cho kíp nổ hoặc trộn với các chất nổ khác, chẳng hạn như TNT.
Mới đây, Fundamedios, một tổ chức phi lợi nhuận của Ecuador tập trung vào quyền truyền thông, đã đưa ra một tuyên bố về vụ việc, trong đó có những lá thư kèm theo USB chứa chất nổ được gửi tới 2 nhà báo khác ở Guayaquil và 2 nhà báo ở thủ đô của Ecuador.
Fundamedios cho biết Álvaro Rosero, người làm việc tại đài phát thanh EXA FM, cũng nhận được một phong bì có ổ đĩa USB vào ngày 15-3. Anh ấy đã đưa nó cho một nhà sản xuất, người này đã sử dụng một dây cáp có bộ chuyển đổi để kết nối USB với máy tính, may mắn thay thiết bị không phát nổ.
Fundamedios cho biết, cảnh sát xác định rằng USB có chứa chất nổ nhưng vì bộ chuyển đổi mà nhà sản xuất sử dụng không đủ năng lượng để kích hoạt.
Vì sao không nên cắm USB lạ vào máy tính?
Để tiếp cận mục tiêu, kẻ gian có thể giả vờ làm rơi USB gần họ. Thông thường, ai trong chúng ta cũng sẽ có tính tò mò, muốn cắm thử USB vào máy tính để xem dữ liệu bên trong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo mật, việc này rất nguy hiểm bởi nó có thể phát tán phần mềm độc hại, mã hóa dữ liệu… hoặc thậm chí là phát nổ như vụ việc bên trên.
Trước đó một nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm giả vờ làm rơi 297 USB quanh trường ĐH Illinois. Kết quả là có đến 48% USB được cắm vào máy tính trong vòng 10 tiếng sau khi người dùng nhặt được. 68% người nhặt được cắm USB vào máy tính chỉ với mong muốn tìm thông tin về chủ sở hữu để trả lại.