Chuyên gia chỉ cách nhận biết video deepfake giả mạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Trong một thời đại mà công nghệ số phát triển mạnh mẽ, deepfake giả mạo đã nổi lên như một hiểm họa mới.

Deepfake là gì?

Deepfake là một công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để tạo ra các video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo nhưng có độ chân thực cao. Công nghệ này thường dựa trên mạng nơ-ron nhân tạo (neural networks) và thuật toán học sâu (deep learning) để phân tích và tái tạo các đặc điểm khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ của một người.

Cái tên "deepfake" xuất phát từ sự kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo).

Nhiều người là nạn nhân của công nghệ deepfake giả mạo

Đầu năm 2024, Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam đã nhận được phản ánh của ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh về việc bị các đối tượng xấu sử dụng deepfake để phát tán hình ảnh giả mạo khuôn mặt trên Internet.

Ban đầu, công nghệ deepfake được sử dụng cho mục đích giải trí, giáo dục, truyền thông… Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh mạng, deepfake hiện đang bị tội phạm mạng lạm dụng để tạo ra các video giả mạo khuôn mặt, giả mạo giọng nói với độ chính xác cao nhằm bôi nhọ, lừa đảo, phá hoại.

Nhiều người là nạn nhân của công nghệ deepfake giả mạo. Ảnh: AI
Nhiều người là nạn nhân của công nghệ deepfake giả mạo. Ảnh: AI

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TP.HCM đã nhận được thông tin trình báo của nhiều nạn nhân liên quan đến việc bị ghép mặt vào các hình ảnh nhạy cảm bằng deepfake giả mạo.

Theo đó, chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là theo dõi nạn nhân trong thời gian dài, sau đó kết bạn, sao chép hình ảnh công khai của nạn nhân và sử dụng deepfake để tạo video nhạy cảm giả mạo, đe dọa, tống tiền.

Trường hợp gần đây nhất là của anh H., đến cơ quan công an trình báo về việc bị các đối tượng xấu sao chép hình ảnh cá nhân trên Facebook, Zalo… Sau đó ghép ảnh để đe dọa, tống tiền 150 triệu đồng.

Do không có tiền chuyển, bị làm phiền nhiều lần nên anh H. quyết định lên trình báo với cơ quan công an.

Ngoài vụ việc của anh H., thời gian qua, cơ quan chức năng TP.HCM còn tiếp nhận, giải quyết hàng loạt tin báo tương tự.

Đặc điểm chung là nạn nhân nhận lời kết bạn, rồi bị đối tượng trên mạng xã hội ghép vào các clip, hình ảnh nhạy cảm, đe dọa, gây áp lực gửi cho những người quen qua mạng xã hội để tống tiền.

Chuyên gia chỉ cách nhận biết video, hình ảnh deepfake giả mạo

Trao đổi với PLO, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết: “Để nhận biết video, hình ảnh hoặc âm thanh deepfake, người dùng có thể dựa vào một số dấu hiệu như chi tiết trên khuôn mặt hoặc giọng nói không tự nhiên, các điểm bất thường trong video, hình ảnh hoặc nội dung video không phù hợp với thực tế.”

Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các hình ảnh do AI tạo ra gần như đã không có sự khác biệt và rất khó để phân biệt nếu không sử dụng các công cụ phân tích.

Theo các chuyên gia bảo mật Bkav, trong 6 tháng cuối năm 2023, công ty liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người dùng khi họ bị lừa đảo thông qua các hình thức giả mạo khuôn mặt, giọng nói, cuộc gọi video giả mạo…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu mã độc (AntiMalware) của Bkav, cho biết: “Khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng thông qua AI cho phép tạo ra những chiến lược lừa đảo tinh vi. Điều này cũng có nghĩa là mức độ phức tạp của các kịch bản lừa đảo khi kết hợp giữa Deepfake và GPT sẽ ngày càng cao, khiến việc nhận diện lừa đảo sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.

Chuyên gia khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Chuyên gia khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Để phòng tránh lừa đảo bằng deepfake giả mạo, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng Internet cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Không nên tin tưởng ngay vào các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài chính, danh dự hoặc uy tín của người khác,” ông Thắng nhấn mạnh.

Người dùng cần đặc biệt cảnh giác tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP…), không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Đọc thêm