AUDIO bài viết
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy đề cập đến khả năng học hỏi và hành động của máy móc một cách thông minh, có nghĩa là chúng có thể đưa ra quyết định, thực hiện nhiệm vụ và thậm chí dự đoán kết quả trong tương lai dựa trên những gì chúng học được từ dữ liệu.
AI và máy học ngày càng đóng một vai trò lớn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đơn cử như Alexa, Siri, Google có thể tự động đề xuất các sản phẩm phù hợp với bạn trên Amazon, hay các bộ phim được cá nhân hóa theo sở thích trên Netflix.
AI sẽ cách mạng hóa hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Stephen Hawking nói: “Thành công trong việc tạo ra AI sẽ là sự kiện lớn nhất lịch sử loài người”.
AI và học máy là nền tảng mà nhiều công nghệ khác được xây dựng trên đó. Ví dụ, nếu không có AI, chúng ta sẽ không đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong Internet of Things (IoT), thực tế ảo, chatbots, nhận dạng khuôn mặt, robot, tự động hóa hoặc ô tô tự lái.
Tự động hóa hỗ trợ AI sẽ có tác động đáng kể và có thể dẫn đến việc thay đổi nhiều công việc. Thay vì lo sợ bị mất việc vào tay robot, bạn có thể nghĩ theo hướng tích cực rằng AI sẽ giúp cho cuộc sống làm việc của chúng ta tốt hơn. AI sẽ nâng cao công việc của con người, và các công việc mới sẽ phát sinh để thay thế các công việc cũ.
2. Công nghệ gen
Công nghệ sinh học đang phát triển đến mức có thể thay đổi DNA được mã hóa trong tế bào. Ở thực vật, điều này có thể ảnh hưởng đến số lượng lá hoặc màu sắc, trong khi ở người, nó có thể ảnh hưởng đến chiều cao, màu mắt hoặc khả năng mắc bệnh.
Điều này mở ra một loạt các khả năng gần như không giới hạn, vì nó có nghĩa là bất kỳ đặc tính nào của một cơ thể sống được di truyền về mặt lý thuyết đều có thể bị thay đổi.
Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đang được áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen, trong đó thú vị nhất là dự án điều chỉnh các đột biến DNA nhằm hạn chế các bệnh nghiêm trọng như ung thư, bệnh tim… Tuy nhiên, hiện vẫn có khá nhiều mối quan tâm về đạo đức và pháp lý xoay quanh việc chỉnh sửa gen. Việc chỉnh sửa bộ gen ở người hiện bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm phần lớn châu Âu, vì kết quả lâu dài của nó vẫn chưa được hiểu rõ.
Với khả năng chỉnh sửa gen, con người có thể hi vọng về một tương lai không còn bệnh ung thư và kéo dài tuổi thọ vô thời hạn. Tuy nhiên, trên thực tế những tiến bộ khổng lồ như vậy có thể còn lâu mới xảy ra, nếu chúng thực hiện được. Tập trung vào giải quyết các vấn đề nhỏ hơn sẽ có tác động ngay lập tức đến thế giới thực, có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn trong ngắn hạn.
3. Giao diện Người - Máy tính
Giao diện người - máy tính tạo ra các thiết bị và công nghệ có thể đeo được, giúp cải thiện hoạt động thể chất và tinh thần của con người, đồng thời giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn. Đơn cử như dây đeo thể dục, đồng hồ thông minh…
Tuy nhiên, thuật ngữ wearable (có thể đeo được) không nhất thiết có nghĩa là thứ mà bạn đeo vào cổ tay hoặc ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể, nó cũng mở rộng cho quần áo thông minh như giày chạy bộ có thể đo dáng đi và hiệu suất của bạn.
Khi công nghệ ngày càng nhỏ hơn và thông minh hơn, phạm vi của thiết bị đeo được sẽ mở rộng và các sản phẩm mới, nhỏ hơn, thông minh hơn sẽ xuất hiện để thay thế các thiết bị đeo mà chúng ta quen thuộc ngày nay.
Ví dụ, chúng ta đã có kính thông minh, nhưng chúng có khả năng sẽ bị thay thế bằng kính áp tròng thông minh. Sau đó, kính áp tròng thông minh có khả năng sẽ được thay thế bằng cấy ghép mắt thông minh.
Những tiến bộ như thế này khiến nhiều người tin rằng con người và máy móc cuối cùng sẽ hợp nhất để tạo ra con người 2.0 (transhumans).
Công nghệ hứa hẹn sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, thậm chí có thể mang lại cơ hội sống mãi mãi, nhưng có lẽ chỉ dành cho những người có đủ khả năng. Hãy tưởng tượng một xã hội trong đó những người giàu thực sự là những siêu nhân sống mãi mãi, và tất cả những người khác đều bình thường và bị thiệt thòi...
4. Extended Reality (Thực tế mở rộng - XR)
Thực tế mở rộng (XR) bao gồm thực tế ảo, thực tế tăng cường và thực tế hỗn hợp, đồng thời đề cập đến việc sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm kỹ thuật số phong phú hơn.
Trên thực tế, XR đang được sử dụng để tăng mức độ tương tác với thương hiệu, cho phép khách hàng dùng thử trước khi mua, nâng cao dịch vụ khách hàng, làm cho việc học tập hiệu quả hơn và cải thiện các quy trình tổ chức khác.
Công nghệ XR cung cấp những cách thú vị và hoàn toàn mới để mọi người trải nghiệm thế giới xung quanh.
Trên thực tế, trải nghiệm AR dựa trên thiết bị di động, chẳng hạn như ứng dụng Pokemon Go, đã tạo ra hơn 3 tỉ USD doanh thu toàn cầu vào năm 2018. XR cũng là giao diện người dùng trong metaverse, ý tưởng về một vũ trụ ảo nơi chúng ta có thể là bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì chúng ta muốn.
5. In 3D
In 3D còn được gọi là sản xuất phụ gia, có nghĩa là tạo ra một đối tượng 3D từ một tệp kỹ thuật số bằng cách xây dựng nó từng lớp một. In 3D có vẻ là công nghệ thấp hơn hẳn so với trí tuệ nhân tạo hoặc chỉnh sửa gen, nhưng nó có tiềm năng biến đổi hoàn toàn ngành sản xuất và các ngành công nghiệp khác.
Sử dụng in 3D, các nhà máy trong tương lai có thể nhanh chóng in các bộ phận thay thế cho máy móc tại chỗ. Toàn bộ dây chuyền lắp ráp có thể được thay thế bằng máy in 3D, chúng ta có thể in mô người để cấy ghép, in vũ khí, thậm chí là in thực phẩm.
Công nghệ in 3D mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến một số thách thức và trở ngại. Mặc dù nó có khả năng làm giảm tác động đối với môi trường (sử dụng ít vật liệu hơn) nhưng chúng ta phải xem xét đến tác động của máy in.
In 3D cũng gây ra nhiều vấn đề cho các chủ sở hữu sở hữu trí tuệ, vì công nghệ này cho phép những kẻ làm giả sản xuất hàng hóa bằng giấy phép giả với giá rẻ và dễ dàng. Ngoài ra còn có một vấn đề là vũ khí có thể dễ dàng được in 3D.