Sự cố cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ do Facebook sở hữu như Instagram, WhatsApp, Messenger,… khiến không ít người dùng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kinh doanh.
Theo thông tin từ trang DownDetector, chỉ trong vài tiếng đã có hơn 11.000 báo cáo về sự cố trên Facebook, trong đó có 34% không thể đăng nhập, 33% không tải được nội dung bản tin,… Tương tự, 32% người dùng Messenger cũng không thể gửi được tin nhắn, hình ảnh, 31% không thể kết nối được đến máy chủ,…
Nhiều thông tin cho rằng Facebook đang bị DDoS (tấn công từ chối dịch vụ), tuy nhiên phát ngôn viên của Facebook Tom Parnell cho biết việc này không liên quan đến những nỗ lực tấn công từ bên ngoài.
Công ty cũng đã xác nhận vấn đề này trên Twitter và trang web dành riêng cho nhà phát triển, đồng thời cho biết đang cố gắng điều tra nguyên nhân và khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Mursch, một nhà nghiên cứu bảo mật (chuyên theo dõi các hoạt động của botnet và các cuộc tấn công mạng), người điều hành Bad Packets Report cho biết công ty xác nhận trường hợp này không phải bị tấn công DDoS. Mỗi ngày có khoảng 20.000 cuộc tấn công DDoS diễn ra trên Internet nhưng Facebook lại là một mục tiêu rất khó tấn công.
Alex Henthorn-Iwane, Phó Chủ tịch của công ty an ninh mạng ThousandEyes, cho biết Facebook, Google hay những công ty lớn có băng thông và khả năng kết nối rất lớn, họ có thể tự mình hấp thụ các cuộc tấn công quy mô một cách hiệu quả.
Trao đổi với PV PLO, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cho biết công ty đang tập trung vào việc giải quyết sự cố càng sớm càng tốt nhưng có thể xác nhận rằng sự cố này không liên quan đến một cuộc tấn công DDoS.
Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, giảng viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN TP.HCM), cho biết sự cố bắt đầu xảy ra từ 22 giờ 30 ngày 13-3, bắt đầu là việc người dùng không gửi được tin nhắn thông qua ứng dụng, tuy nhiên do Facebook chưa khắc phục kịp thời dẫn đến thiệt hại cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp bán hàng.