Cách hạn chế điện thoại Android quá nhiệt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến điện thoại bị quá nhiệt (chạy các ứng dụng nặng, chơi game liên tục, dính phần mềm độc hại…). Tuy nhiên, đừng lầm tưởng giữa việc máy ấm lên và quá nhiệt. Việc điện thoại ấm lên sau 15 phút chơi game là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng nếu thiết bị hiển thị cảnh báo quá nhiệt hoặc máy bỗng nhiên nóng lên bất thường thì bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng quá nhiệt?

- Thiết lập lại camera: Khi chụp ảnh hoặc quay video chất lượng cao, điện thoại sẽ nóng hơn khá nhiều so với bình thường. Để hạn chế, bạn hãy mở ứng dụng camera trên máy, truy cập vào phần cài đặt và thiết lập lại độ phân giải hình ảnh hoặc video khi quay để giảm tải cho thiết bị. 

- Phần mềm độc hại trên Android có thể khiến điện thoại bị quá nhiệt bởi nó sẽ liên tục chạy nền và gửi dữ liệu về máy chủ từ xa. Về cơ bản, nguyên nhân chủ yếu khiến thiết bị bị nhiễm phần mềm độc hại là do người dùng cài đặt ứng dụng bên ngoài Google Play. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết "Cách kiểm tra điện thoại có bị dính phần mềm độc hại?" tại địa chỉ http://bit.ly/dt-dinh-malware.

- Gỡ bỏ ốp lưng: Ngoài tác dụng làm đẹp, bảo vệ điện thoại, đôi khi ốp lưng cũng chính là nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng lên. Do đó, nếu đang sử dụng ốp lưng, bạn hãy tạm thời gỡ bỏ và kiểm tra lại nhiệt độ thiết bị.

- Kiểm tra pin và cáp sạc: Nếu đang sử dụng một thiết bị đã cũ, bạn chỉ nên sạc điện thoại đến mức 80%-90% thay vì 100% để giữ cho pin khỏe. Thêm vào đó, việc sử dụng củ sạc dỏm, cáp sạc dỏm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng quá nhiệt, bởi lẽ đa số các cục sạc “lô” được bán tràn lan với mức giá rẻ thường không đảm bảo chất lượng, dòng điện kém ổn định dẫn đến tình trạng smartphone bị quá nhiệt, chai pin và thậm chí là phát nổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn và người thân trong gia đình.

Đó là lý do tại sao bạn chỉ nên sử dụng bộ sạc chính hãng đi kèm với sản phẩm hoặc các thiết bị có khả năng tự động điều chỉnh dòng và đã được chứng nhận như Anker, Aukey…

- Quản lý tài nguyên điện thoại: Greenify sẽ tự động xác định nguồn tài nguyên và đưa những ứng dụng không cần thiết vào chế độ ngủ đông. Lưu ý, khi điện thoại quá nhiệt, bạn chỉ nên để thiết bị ở những khu vực mát mẻ (quạt gió), không đặt vào tủ lạnh, tủ đông hoặc tủ mát vì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể xảy ra hư hỏng. 

- Hạn chế các ứng dụng nặng: Nếu smartphone thường xuyên nóng lên bất thường thì nhiều khả năng nó đang bị quá tải. Để khắc phục tình trạng trên, bạn hãy tạm thời tắt bớt các ứng dụng không cần thiết, sử dụng các phiên bản thu gọn (Lite) của Facebook, Messenger… thay vì sử dụng bản “chính chủ”.

- Cài đặt ứng dụng Cooler Master: Đầu tiên, bạn hãy cài đặt ứng dụng Cooler Master tại địa chỉ http://bit.ly/cl-master để kiểm tra nhiệt độ smartphone. Nếu cảm thấy điện thoại quá nóng, bạn chỉ cần chạm vào nút Detect Overheating Apps, sau đó đánh dấu chọn vào các ứng dụng đang chạy nền và nhấn Clean Up. Ngoài ra, CM còn có chức năng tự động hiển thị cảnh báo trên màn hình nếu nhiệt độ tăng cao bất thường, giúp người dùng ngăn chặn kịp thời các vấn đề liên quan đến việc hư hỏng phần cứng hoặc cháy nổ.

Để giới hạn nhiệt độ, bạn hãy chạm vào biểu tượng ba chấm ở góc trên bên phải, truy cập vào Settings > Advanced settings > Temperature threshold, đồng thời đánh dấu chọn vào ô High temperature notification. Khi nhiệt độ smartphone tăng quá mức cho phép, ứng dụng sẽ ngay lập tức cảnh báo.

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bạn hãy hạn chế đặt smartphone ở các nơi có nhiệt độ cao như gần cửa sổ, trong xe hơi, thùng máy vi tính. Việc cập nhật ứng dụng cũng giúp khắc phục các lỗi còn tồn đọng trước đó, kể cả quá nhiệt. Ngoài ra, bạn cũng nên gỡ bỏ bớt các ứng dụng không cần thiết hoặc ít khi sử dụng, chẳng hạn như Clean Master, UC Browser… Ngoài những cách kể trên, bạn cũng nên giảm độ sáng màn hình, tắt bớt các kết nối không cần thiết (WiFi, 3/4G, GPS, Bluetooth).

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm