Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc sử dụng các thiết bị của Huawei và ZTE có thể khiến người dùng đối mặt với các nguy cơ về bảo mật.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết: “Các thiết bị của Huawei và ZTE có thể mang lại những rủi ro về bảo mật cho nhân viên và thông tin, do đó những sản phẩm của hai công ty này sẽ bị cấm bán tại các cửa hàng bên trong các căn cứ quân sự”.
Tất nhiên, các nhân viên trong quân đội Mỹ vẫn có thể mua thiết bị của Huawei và ZTE để sử dụng cho mục đích cá nhân thông qua những cửa hàng bên ngoài, vì hiện tại vẫn chưa có lệnh cấm hoàn toàn.
Trước thông tin trên, phía Huawei phản hồi rằng sản phẩm của họ được bán tại 170 quốc gia trên toàn thế giới và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo mật, riêng tư và kỹ thuật ở mọi quốc gia đang hoạt động, bao gồm Mỹ. Công ty cam kết cởi mở và minh bạch trong mọi việc, không có việc thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc về bất kỳ thiết bị nào.
Các quan chức Chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể ra lệnh cho các nhà sản xuất smartphone tích hợp sẵn backdoors (một dạng phần mềm chuyên mở "cửa hậu" nhằm đánh cắp thông tin) bên trong thiết bị nhằm mục đích gián điệp và ăn cắp dữ liệu người dùng, tuy nhiên cả Huawei và ZTE đều phủ nhận việc này.
Một nguồn tin giấu tên chia sẻ với tờ WSJ rằng các nhà lãnh đạo quân sự rất thận trọng với những sản phẩm kể trên, bởi lẽ Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị ZTE và Huawei để xác định vị trí tọa độ chính xác của những người lính và theo dõi chuyển động của họ.
Chính phủ Mỹ luôn bày tỏ quan ngại và có những động thái cứng rắn đối với Huawei và cả ZTE từ nhiều năm trước, đơn cử như việc các nhà mạng lớn tại Mỹ sẽ ngừng phân phối điện thoại Huawei. Bên cạnh đó, mới đây Bộ Thương mại Mỹ cũng cấm các công ty tại quốc gia này không được bán sản phẩm cho ZTE trong vòng bảy năm do công ty này đã vi phạm hợp đồng trước đó.
Điều này đồng nghĩa với việc các công ty công nghệ cao của Mỹ như Qualcomm sẽ không thể bán bất cứ thứ gì cho ZTE từ đây cho đến năm 2025.
Trong bảy năm tới, ZTE sẽ không bán điện thoại di động ở Mỹ. Nếu không có Qualcomm, ZTE chỉ có thể mua các CPU từ Samsung, Huawei hoặc MediaTek. Tuy nhiên, Qualcomm sở hữu khá nhiều bằng sáng chế cho mạng di động dựa trên CDMA được sử dụng ở Mỹ, do đó gần như rất khó để ZTE có thể bán sản phẩm tại Mỹ mà không dính đến công nghệ của Qualcomm.
Thêm vào đó, nhiều khả năng các hãng khác như Samsung cũng sẽ làm theo phía Mỹ để hạn chế các vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh do ZTE. Ngoài ra, Huawei cũng đang rất đau đầu để giải quyết vấn đề kinh doanh của mình tại Mỹ, bởi sáu cơ quan lớn tại quốc gia này đã đề nghị người dùng không sử dụng sản phẩm của Huawei, các nhà mạng lớn như AT & T, Verizon và Best Buy cũng đã ngừng kinh doanh điện thoại Huawei.
Chỉ còn một lựa chọn duy nhất cho ZTE vào lúc này là MediaTek. Tuy nhiên, bộ xử lý của hãng này thường không mạnh bằng Snapdragon (Qualcomm), Kirin (Huawei) và sử dụng các modem kém hiệu quả.
Tương tự, lệnh cấm trên sẽ khiến ZTE khó khăn hơn trong việc sử dụng hệ điều hành Android của Google. Hiện tại có rất ít lựa chọn để thay thế bởi Microsoft và HP không còn cung cấp hệ điều hành cho smartphone, iOS lại độc quyền của Apple và ZTE lại không có hệ điều hành của riêng mình. Giải pháp duy nhất lúc này chỉ có thể là Tizen của Samsung, tuy nhiên hãng chỉ hỗ trợ một vài ứng dụng.
Trong một cuộc họp vào tháng 2 vừa qua, sáu quan chức thuộc các cơ quan tình báo của Mỹ đã cảnh báo người dân không nên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE vì lo ngại nguy cơ gián điệp.
Tại Việt Nam, theo thống kê, ba nhà mạng hàng đầu gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone đều đã lắp đặt trên dưới 30.000 trạm BTS khắp toàn quốc được cung cấp bởi Huawei và ZTE. Lý giải cho việc này, đại diện một nhà mạng lớn cho biết: "Do giá bỏ thầu của hai công ty quá rẻ, các nhà cung cấp khác không đấu lại được, trong khi với cơ chế đấu thầu của mình thì không chọn họ không được".