AUDIO bài viết
STEM là sự kết hợp của 4 môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, được kỳ vọng có thể phá vỡ khoảng cách giữa kiến thức trong sách vở và thực tiễn, giúp các em học sinh có thể tiếp cận sớm với giáo dục 4.0.
Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Giáo dục STEM/STEAM thật sự rất cần thiết cho học sinh, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố hiện nay đang hướng đến dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh”.
Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM.
STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra, thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.
Tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục. Điều quan trọng nhất là giáo viên, người hướng dẫn cần làm tốt vai trò gợi mở, hướng dẫn, phát huy được tối đa sự sáng tạo ở học sinh là cách làm đúng đắn nhất và sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) đã có bài giới thiệu tổng quan về “Giáo dục STEM/STEAM”
TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM.
Có thể khẳng định Mỹ là quốc gia khởi nguồn và rất coi trọng giáo dục STEM. Giáo dục STEM/STEAM đã được đưa xuống các cấp học từ mầm non đến đại học.
Trong đó các môn học luôn khuyến khích sự sáng tạo và là sự tích hợp nhiều bộ môn lại với nhau, tạo cho học sinh môi trường học tập thực tế, sống động và có cơ hội trải nghiệm thực hành, có tư duy logic và đặc biệt có đam mê.
Tiến sĩ Hải cũng nhấn mạnh trong tương lai khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, chúng ta phải chuẩn bị cho con em chúng ta rất nhiều ngay từ bây giờ và trong tương lai 50 năm nữa. Giáo dục STEAM/STEM chính là nhịp cầu giúp các em học sinh chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức để thích ứng cũng như theo kịp sự phát triển của xã hội.
"Chúng ta cần một môi trường giảng dạy và học tập linh hoạt hơn. Chưa kể sự thay đổi đang đến với chúng ta với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, 5G, IoT, Blockchain.
Điều đó có nghĩa, con cái của chúng ta có thể tiếp nhận một sự thay đổi lớn hơn cứ sau 10-15 năm của cuộc đời chúng. Tương lai nghề nghiệp của chúng cũng sẽ thay đổi. Những tiến bộ trong công nghệ tự động hóa và AI sẽ ảnh hưởng đến các công việc trong hầu hết các nhóm nghề nghiệp trong tương lai.
65% học sinh trong lớp sẽ thực hiện các công việc chưa được phát minh ra. Những nghề nghiệp phát triển nhanh nhất sẽ yêu cầu các kỹ năng nhận thức cấp cao hơn trong các lĩnh vực như hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo.
Kỹ năng hợp tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới chuyển sang kỹ thuật số" - Ông Hung Chuan Khoo - Giám Đốc Cấp Cao mảng Chuyển đổi số & Phát triển Giáo Dục, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ.
Ông Hung Chuan Khoo - Giám Đốc Cấp Cao mảng Chuyển đổi số & Phát triển Giáo Dục, khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Mặc dù STEM đã được triển khai từ nhiều năm qua, giáo viên và các nhà trường đã có một số kinh nghiệm, tham dự nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm nhưng chưa thật sự có một chương trình bồi dưỡng nào tiếp cận được một cách phù hợp.
Theo tôi “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với giáo dục STEM nói riêng cũng chính là khó khăn chung của ngành giáo dục đó là phải tiến hành các hoạt động dạy học, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường; các phương thức tổ chức dạy học của ngành còn đang ở thế bị động và thay đổi liên tục nhất là đối với các nội dung có nhiều hoạt động thực hành, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng mô hình, tổ chức thực nghiệm…”, thầy Tân cho biết thêm.