AUDIO bài viết
Ngày 12-12 là thời điểm mua sắm phổ biến thứ hai ở Việt Nam, có lưu lượng truy cập thậm chí cao hơn ngày 11-11 ở mức 150%, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến tăng ở mức 369%. Mặt khác, ngày 10-10 cũng ghi nhận doanh thu tăng 171%.
Trong khi đó, ngày hội Black Friday cũng ghi nhận doanh số bán lẻ tăng 78%, từ đó cho thấy rằng đây vẫn là một sự kiện mua sắm tiêu biểu, mặc dù ở quy mô khiêm tốn.
Mua sắm trực tuyến tăng mạnh vào các dịp mua sắm "ngày đôi". Ảnh: TIỂU MINH
Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á (SEA), Criteo, cho biết: “Đối với các nhà bán lẻ, những dịp mua sắm này đem đến những cơ hội lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chân người tiêu dùng.”
Trong khi tăng trưởng doanh số hàng năm đang bị thu hẹp, chi tiêu bán lẻ vẫn tăng, vì vậy điều quan trọng là các nhãn hàng cần phải hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn này.
Người tiêu dùng đang có xu hướng cân nhắc việc mua, tích lũy phiếu quà tặng trước ngày mua sắm nhiều tháng.
Sự bùng phát của đại dịch đã tác động đến sự tăng trưởng của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến vì thích sự tiện lợi mà việc này mang lại. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở những người nhóm khách hàng trẻ tuổi như thế hệ Z và Millennials.
Taranjeet Singh, Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Criteo cho biết: "Năm ngoái, người tiêu dùng tìm kiếm nhiều nhất về quần áo, điện tử tiêu dùng, nội thất gia đình và đồ thể thao. Theo sau đó là các cửa hàng truyền thống, trang web hoặc ứng dụng của nhãn hàng, ứng dụng bán lẻ và quảng cáo trực tuyến.
Do đó, các thương hiệu bán lẻ bắt buộc phải có chiến lược đa kênh mạnh mẽ để trở nên nổi bật, cho phép người dùng tìm kiếm và cuối cùng là khuyến khích sự tương tác và mua hàng của người tiêu dùng".