FBI chỉ cách nhận diện các trò lừa đảo bằng AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, mặt trái của công nghệ này cũng lộ rõ khi ngày càng nhiều tội phạm mạng thực hiện các âm mưu lừa đảo bằng AI.

Mới đây, FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của các hình thức gian lận trực tuyến, lừa đảo bằng AI.

Công nghệ này không chỉ giúp các kế hoạch lừa đảo trở nên thuyết phục hơn mà còn giảm đáng kể thời gian, công sức mà kẻ xấu phải bỏ ra. Từ việc tạo ra văn bản, hình ảnh, đến các video giả mạo sống động, AI đã mở ra một chân trời mới cho tội phạm mạng, làm mờ ranh giới giữa thực và giả trong thế giới trực tuyến.

lua-dao-bang-ai.jpeg

Những trò lừa đảo bằng AI

Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng AI để tạo ra các hồ sơ mạng xã hội giả mạo, từ đó thực hiện các trò lừa đảo lãng mạn, kêu gọi đầu tư hay giả danh các tổ chức uy tín.

Hình ảnh hoặc video do AI tạo ra có thể được dùng để giả mạo nhân viên công quyền, giám đốc điều hành hoặc các nhân vật quyền lực, nhằm chiếm đoạt tiền bạc hoặc thông tin cá nhân.

Một hình thức gian lận khác đang phổ biến là sử dụng video deepfake, công nghệ tạo video giả để xây dựng các chiến dịch lừa đảo tiền điện tử. Các video này thường xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội, sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng như Elon Musk để kêu gọi đầu tư vào các dự án tiền số giả mạo.

Thậm chí, AI còn được sử dụng để tạo ra các nội dung gắn liền với thiên tai hoặc xung đột, kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng thực chất là chuyển tiền vào tài khoản của những kẻ lừa đảo. Trong khi đó, các hình ảnh hoặc video khiêu dâm giả mạo được sản xuất nhằm mục đích tống tiền nạn nhân, làm xáo trộn cuộc sống cá nhân của họ.

Không chỉ dừng lại ở các hành vi cá nhân, tội phạm mạng còn lợi dụng AI để tổ chức các chiến dịch quy mô lớn. Một ví dụ đáng chú ý là các nhóm tin tặc từ Triều Tiên, theo báo cáo của Google Mandiant, đã sử dụng hình ảnh và nhân vật giả mạo do AI tạo ra để xin việc tại các tổ chức quốc tế. Sau khi được tuyển dụng, họ có thể tiến hành gián điệp mạng, đánh cắp dữ liệu, hoặc triển khai các phần mềm độc hại.

Các chiến dịch này không chỉ nhắm đến cá nhân mà còn đe dọa đến sự an toàn và uy tín của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu. Điều này cho thấy sức mạnh của AI không chỉ nằm ở khả năng tạo ra những nội dung ấn tượng mà còn ở việc làm mờ đi ranh giới giữa thật và giả, khiến việc nhận diện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các trò lừa đảo bằng AI, deepfake trên TiKTok.
Các trò lừa đảo bằng AI, deepfake trên TiKTok.

Làm sao để tự bảo vệ bản thân trước những trò lừa đảo bằng AI?

FBI đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp người dùng nhận diện và tránh xa những âm mưu lừa đảo được hỗ trợ bởi AI.

Đầu tiên, việc kiểm soát nội dung cá nhân trên mạng xã hội là yếu tố then chốt. Bạn hãy hạn chế chia sẻ hình ảnh, video hoặc giọng nói công khai, đồng thời đặt tài khoản ở chế độ riêng tư để bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngoài ra, hãy cảnh giác với các thông tin liên lạc không xác định. Cụ thể, bạn hãy cúp máy hoặc từ chối trả lời khi nhận được cuộc gọi từ người lạ, đặc biệt nếu họ yêu cầu thông tin cá nhân hoặc thanh toán. Nếu nghi ngờ, bạn có thể kiểm tra lại thông tin thông qua các kênh chính thức của tổ chức liên quan.

Các dấu hiệu bất thường trong hình ảnh, video hoặc giọng nói cũng có thể giúp bạn nhận diện các trò lừa đảo. Ví dụ, một bức ảnh có chi tiết méo mó, một video có chuyển động kỳ lạ, hoặc giọng nói với ngữ điệu không tự nhiên đều có thể là sản phẩm của AI.

Khi AI ngày càng được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày, việc bạn trở thành mục tiêu của các trò lừa đảo tinh vi là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đọc thêm