Theo đó, khi tìm kiếm từ khóa Park Hang-seo trên Facebook, bạn sẽ thấy có rất nhiều kết quả trả về gồm fanpage và group, trong đó có không ít trang đã đạt được lượng Like và tương tác khủng.
Sáng 30-8, HLV Park Hang-seo khẳng định mọi hình ảnh của ông trên mạng đều là giả mạo, ông cho biết không sử dụng bất kỳ mạng xã hội nào, kể cả email là thứ rất cần thiết cho công việc ông cũng không sử dụng. Các phát ngôn của ông chỉ xuất phát từ các buổi họp báo trước truyền thông.
Olympic Việt Nam đã chính thức chia tay giấc mơ lần đầu tiên có mặt chơi trận chung kết môn bóng đá ở Asiad khi chúng ta thất bại 1-3 trước Hàn Quốc. Đêm qua, sau trận thua, trên các trang mạng xã hội không ít những lời chỉ trích hướng đến ông thầy người Hàn Quốc, vì Olympic Việt Nam thua đội bóng quê hương ông.
Đa số ai cũng muốn mình được nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi lên bằng chính thực lực của mình, thay vào đó, họ lợi dụng người khác, nói xấu, giả mạo Facebook… hoặc làm mọi cách để kiếm danh tiếng từ người khác. Khi đã có lượng người theo dõi và danh tiếng nhất định, những tài khoản giả mạo này sẽ được đổi tên và bán lại cho những người có nhu cầu kinh doanh, bán hàng trên Facebook.
Nếu đã từng bán hàng trên Facebook, chắc chắn bạn sẽ hiểu được sự khổ sở khi mới bắt đầu, đăng ảnh sản phẩm chẳng ai thèm ngó ngàng, phải xin tham gia các group hoặc chạy quảng cáo nhưng hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, nếu tài khoản có nhiều người theo dõi hoặc danh tiếng cao, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà nhiều người sử dụng đủ mọi chiêu trò để câu Fame, câu Sub bất chấp dư luận để sau đó bán tài khoản kiếm lợi hoặc tăng khả năng bán hàng trên Facebook.
Đây không phải là lần đầu tiên những người nổi tiếng bị giả mạo Facebook, trước đó còn có nhà báo Lại Văn Sâm, ca sĩ Duy Mạnh, Đàm Vĩnh Hưng…
Theo điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP trong Luật Công nghệ thông tin, việc giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự.
Tuy nhiên, tùy vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm từ việc giả mạo Facebook, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ truy cứu theo tội danh khác trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Ví dụ, nếu sử dụng Facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa ba năm tù. Ngoài ra, nếu sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thì có thể bị phạt tối đa bảy năm tù theo Điều 226 BLHS.
Do đó, để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận trên Facebook, người dùng cần để ý kỹ thời gian lập Facebook, theo dõi các bài viết đăng tải trước đó… để xác định đâu là tài khoản thật và đâu là giả mạo nhằm tránh bị dắt mũi trên mạng.
Nếu muốn hạn chế tình trạng giả mạo Facebook, bạn có thể kích hoạt tính năng Profile Picture Guard (bảo vệ ảnh đại diện). Cụ thể, khi tính năng này được bật, người khác sẽ không thể gửi, chia sẻ, chụp ảnh màn hình hoặc tải về ảnh đại diện của bạn. Phần hình ảnh sẽ được bao quanh bằng khung viền màu xanh dương và có thêm biểu tượng chiếc khiên bảo vệ.
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt tiện ích J2TEAM Security tại địa chỉ http://bit.ly/j2team-sc. Khi cài đặt hoàn tất, bạn chỉ cần nhấn phải chuột vào biểu tượng của tiện ích ở góc phải trình duyệt và chọn Tools (công cụ) > Facebook Profile Picture Guard (bảo vệ hình ảnh đại diện Facebook). Trong trang web vừa hiện ra, bạn nhấn tiếp vào tùy chọn Turn On Profile Picture Guard. Ngay lập tức, chiếc khiên bảo vệ sẽ xuất hiện ở mép dưới ảnh đại diện của bạn.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.