Sự chuyển dịch nhanh chóng này đã tạo ra nhiều cơ hội cho phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực IT. Đồng thời mang đến nhiều thách thức mới cho thị trường tuyển dụng công nghệ và cả nền kinh tế.
Đứng trước nhu cầu cạnh tranh từ các doanh nghiệp, vấn đề tuyển dụng nhân lực IT chất lượng ngày càng được chú trọng.
Mới đây nhất, TopDev đã phát hành Báo cáo thị trường IT Việt Nam - Tech Hiring 2022, với những đánh giá và phân tích về vận hội cũng như viễn cảnh của thị trường lao động IT năm 2022.
Phát biểu trong báo cáo, ông Park JongHo - CEO | TopDev nhận định rằng: “Việt Nam đang có một nguồn nhân lực IT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nằm ở các kế hoạch, chiến lược về đầu tư, phát triển và định hướng cho nguồn lực này nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội Quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa”.
Bối cảnh Kinh tế - Xã hội và Thị trường IT tại Việt Nam
Vực dậy mạnh mẽ sau những đợt bùng phát đại dịch, nền kinh tế tại Việt Nam đã “gặt hái” được những thành quả đáng chú ý.
GDP bình quân đầu người trong quý II năm 2022 của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kì năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý II trong giai đoạn 2011-2021. Sau 2 năm đại dịch xảy ra, Việt Nam vẫn ghi nhận tổng số vốn mới, được điều chỉnh và mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD vào ngày 20 tháng 12 năm 2021, tăng 9,2% so với 2020.
6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực CNTT và TT có doanh thu đạt khoảng 77 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kì năm ngoái, kì vọng có sự tăng trưởng trong năm 2022.
Thị trường lao động Việt Nam trong quý II năm 2022 quay trở lại đà tăng trưởng. Thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm so với giai đoạn dịch bệnh.
Tuy nhiên, với tác động đáng kể từ đại dịch và sự thay đổi trong công việc cũng như mô hình lao động, cách thức làm việc truyền thống trước đây đã thay đổi mãi mãi.
Từ năm 2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà. Từ đó mở ra các xu hướng mới về hình thức làm việc từ xa (Remote Work), mô hình làm việc kết hợp (Hybrid Work) hay mô hình làm việc tự do (Freelance).
Đến năm 2025, thế hệ Z dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam với những mong đợi về sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống và hạnh phúc cá nhân.
Cơ hội mới đi kèm với những thách thức mới
Công việc kết hợp (Hybrid Work) là một mô hình làm việc linh hoạt, mang đến cho nhân viên quyền tự chủ để lựa chọn địa điểm và cách thức làm việc.
Hybrid Work sẽ là một phần của mô hình làm việc trong tương lai, nhưng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mới về sự thích nghi và cách thức quản lý & gắn kết tốt hơn.
Các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản… nay đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này lại càng tạo nên sức ép cho bài toán về thiếu hụt nhân lực CNTT của thị trường, khi nhu cầu tăng lên đáng kể nhưng khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.
Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương lập trình viên dao động từ 350 USD (Fresher) đến 1.190 USD cho vị trí Mid-Senior.
Lập trình viên Senior có mức lương dao động từ 860 USD đến 1.510 USD. Các vị trí Quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ 1.410 USD cho đến hơn 2.300 USD.
Theo dự đoán của các báo cáo trước đó, các vị trí được trả lương cao nhất yêu cầu các kỹ năng như Data Analyst, Cloud, DevOps, AI/Machine Learning. Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành.
Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng công việc Freelancer dự kiến sẽ tăng từ 5-13%. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng IT cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ các quốc gia trên thế giới và xu hướng tuyển các lập trình viên ở nước ngoài trở nên phổ biến hơn.
Mặt khác, làn sóng đầu tư tài chính cá nhân như NFT, Blockchain, chứng khoán đang ngày càng mạnh mẽ. Một số cá nhân có hiểu biết và thích nghi nhanh với xu hướng đã nhanh chóng tạo lập được cơ sở tài chính cá nhân ổn định.
Điều này trực tiếp gây ảnh hưởng đến thị trường lao động khi một thành phần lao động tách ra khỏi thị trường và theo đuổi những lĩnh vực này như một công việc chính.
Mục tiêu tạo ra những sản phẩm công nghệ “Make In Vietnam” không còn xa
Năm 2021 là một năm đáng nhớ đối với ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam khi chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra trong tất cả các lĩnh vực.
Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu cho ngành Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông với nhiệm vụ "Make In Vietnam" - chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.
Việt Nam đang có một nguồn nhân lực CNTT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng kinh tế. Đến nay, lập trình viên Việt Nam đang giữ những thứ hạng cao, thuộc Top 6 các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm (2021) theo Xếp hạng về chỉ số vị trí dịch vụ toàn cầu của Kearney.
Đồng thời, Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á, theo Accelerance.
Không dừng lại ở đó, Việt Nam xếp hạng thứ 2 châu Á - Thái Bình Dương và thứ 22 toàn thế giới theo Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu (GSI) năm 2020. Chỉ sau Mỹ, chất lượng Lập trình viên của Việt Nam xếp hạng thứ 2 thế giới về Khảo sát Freelancer tốt nhất.
Những thứ hạng trên không chỉ khẳng định sức mạnh tiềm lực của nguồn nhân lực IT Việt Nam mà còn cho thấy tính khả thi cao trong việc tạo ra các sản phẩm trong nước mang hàm lượng công nghệ cao.
Nhân tài công nghệ Việt hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm “Make In Vietnam”, tạo nên những giá trị lớn lao hơn cho xã hội và quốc gia.