Thực tế thì chỉ cần xoay trở chậm một nhịp là các doanh nghiệp đã khốn đốn rồi, đừng nói chi là già cỗi từ cách nghĩ cho tới cách làm là già từ bên trong, già bản chất. Huống chi trong lĩnh vực làm ăn công nghệ, công nghệ càng cao càng cần tốc độ xử trí nhanh hơn. Đó chính là bi kịch của những hãng công nghệ Nhật Bản từng có một thời gian dài hưng thịnh, làm hải đăng dẫn đường cho cả thế giới.
Một thời để nhớ
Phần lớn các hãng công nghệ Nhật Bản có tuổi đời rất xưa cũ, thậm chí hơn 100 năm. Mà đặc thù của công nghệ là phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, không phải dựa trên nền tảng kinh nghiệm là chủ yếu. Vậy nên nói người Nhật thua thiệt ngay từ nền tảng là như vậy. Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ Nhật Bản nói chung ngày nay không còn là hiện đại nhất nhưng sản phẩm Nhật vẫn là tốt nhất, chủ yếu nói về độ bền. Nhưng việc hướng vào thị trường nội địa khiến các hãng cũng mất dần thế mạnh cạnh tranh.
Trước thời của MacBook (thế hệ đầu tiên của thương hiệu laptop này được Apple sản xuất hồi giữa năm 2006), Sony Vaio (ra đời từ năm 1996) là “hoàng đế” trong vương quốc máy tính xách tay. Nhưng rồi tới tháng 2-2014, do làm ăn thua lỗ kéo dài, mảng kinh doanh PC đã bị Sony bán lại. Cũng còn an ủi là thương hiệu Vaio được nhà đầu tư Nhật Bản mua lại và cái tên Sony Vaio được đổi thành Vaio Corporation. Nhưng thời hào quang của thương hiệu Vaio nay đã mãn.
Trong khi đó hãng Sharp lại trở thành điển hình cho việc một hãng Nhật Bản hồi sinh khi nằm trong tay “người lạ”. Sau 105 năm hoạt động để rồi những năm sau này thua lỗ nặng, Sharp đã phải “bán mình” cho Tập đoàn Hon Hai (Đài Loan), công ty mẹ của Công ty Foxconn, hồi tháng 3-2016 với giá 3,5 tỉ USD và phía Nhật Bản chỉ còn nắm giữ 34% cổ phần của Sharp. Sau đó, từ chỗ đang hấp hối Sharp đã sống lại và bắt đầu sống khỏe. Trong thông cáo ngày 17-2-2017, Sharp cho biết dự báo mới cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2017 là khoản lợi nhuận hoạt động của hãng sẽ đạt 47,4 tỉ yen (khoảng 418 triệu USD).
Sẽ là võ đoán khi nhận xét rằng qua vụ Sharp, người Nhật làm ăn không giỏi bằng người Đài Loan. Điều may mắn cho Sharp là được mua lại bởi Hon Hai vốn có tiềm lực lớn và những hoạt động kinh doanh có lợi cho sự sống lại của Sharp.
Các thương hiệu Nhật ngày càng thụt lùi so với đối thủ. Ảnh: INTERNET
Phải bán tên tuổi, thị phần
Có thể nói rằng cung cách hoạt động không còn hợp thời mà hầu như khó lòng xoay chuyển, trở bộ được đã khiến nhiều hãng công nghệ Nhật Bản lâm nguy.
Trong những ngày gần đây, hãng Toshiba của Nhật Bản ra đời cách đây 142 năm đang trở thành một điểm nóng trong dòng thời sự công nghệ. Hãng này vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm công nghệ độc đáo. Vậy mà bây giờ Toshiba đang phải bán bớt tài sản của mình để giải quyết hậu quả thua lỗ khi đầu tư vào hãng điện hạt nhân Westinghouse Electric. Theo BBC News, tính tới tháng 2-2017, Westinghouse của Toshiba đã thua lỗ tới khoảng 6,3 tỉ USD.
Theo nhiều nguồn tin, tình hình Toshiba trầm trọng tới mức nếu không được nhà nước cứu, hãng này có thể chết. Có lẽ cái chết của Toshiba gây nhiều hệ lụy hơn nhiều hãng Nhật khác. Hãng này vào năm 2016 có tới hơn 187.000 người lao động. Toshiba là nhà sản xuất bán dẫn lớn thứ bảy trên thế giới. Và đây cũng chẳng là lần đầu tiên nhà nước Nhật Bản ra tay cứu sống doanh nghiệp quan trọng khỏi bị phá sản.
Vấn đề nổi lên ở đây là Toshiba không phải là trường hợp cuối cùng trong làng công nghệ Nhật Bản.
Trong khi các hãng công nghệ Nhật già cỗi, xoay trở chậm chạp, các hãng của Hàn Quốc và Trung Quốc trẻ trung, năng động hơn và đặc biệt là giàu óc đổi mới, sáng tạo. Cái thời chém to kho mặn, ăn chắc mặc bền khiến giá thành cao ngất đã qua rồi. Tính năng động và hiểu rõ người dùng của những hãng Trung Quốc và Hàn Quốc rõ ràng hơn hẳn các hãng Nhật Bản.
Các tên tuổi công nghệ Nhật thụt lùi Trong rất nhiều lĩnh vực, người Nhật không còn dẫn đầu ngay cái sản phẩm điện tử phổ dụng là chiếc tivi, giờ đồ của Hàn Quốc là số một. Còn về smartphone, theo số liệu tháng 11-2016 của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, vào quý III-2016, Top 5 thương hiệu smartphone toàn cầu lần lượt là Samsung của Hàn Quốc (chiếm 21% thị phần); Apple của Mỹ (12,5%); Huawei của Trung Quốc (9,3%); Oppo của Trung Quốc (7,1%); và thứ 5 là Vivo của Trung Quốc (5,9%). Chẳng có thương hiệu Nhật Bản nào lọt vào trong tốp năm ông lớn smartphone toàn cầu. |