Tất cả các công nghệ đều có những rủi ro riêng, đặc biệt là công nghệ mạng. Do đó, NFC cũng không phải ngoại lệ, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại thì song song đó vẫn luôn tồn tại một số rủi ro an ninh mà người dùng cần nhận biết trước khi sử dụng.
NFC làm việc như thế nào ?
Đây là một kỹ thuật kết nối không dây mạnh mẽ, nhưng đòi hỏi khoảng cách giữa các thiết bị phải ngắn. Trong thực tế, nếu bạn để các thiết bị xa nhau chừng vài cm thì nó sẽ không hoạt động được. Ngoài ra, muốn sử dụng công nghệ này thì thiết bị phải được trang bị một con chip NFC và ăng-ten đi kèm.
Việc yêu cầu khoảng cách rất ngắn nghe có vẻ như là NFC trở nên vô dụng, nhưng nó lại có một số tính năng hữu ích rất đáng ngạc nhiên. Về bản chất, công nghệ này cho phép bạn sử dụng smartphone để thực hiện các công việc được nhanh hơn – chẳng hạn như là đậu xe, tính tiền hay thậm chí là trao đổi thông tin nhanh chóng với một smartphone khác.
1) Vấn đề giả mạo dữ liệu:
Khi có sự tác động của bên thứ ba, các dữ liệu truyền đi sẽ bị xáo trộn và sau đó là gây ra các sự cố không đáng có. Và hình thức phổ biến nhất của vấn đề này chính là việc dữ liệu bị gián đoạn hoặc bị phá hủy hoàn toàn.
Điều này hoạt động bằng cách làm tràn các kênh giao tiếp bằng việc gửi đi các thông tin bất thường hoặc không hợp lệ, cuối cùng là ngăn chặn kênh và làm cho các thông điệp ban đầu không thể đọc đúng được. Thật không may là hiện nay không có cách nào để ngăn chặn được việc phá hủy dữ liệu, mặc dù chúng ta có thể phát hiện được.
2) Vấn đề ngăn chặn dữ liệu:
Vấn đề này xảy ra khi một người trong cùng phạm vi kết nối với bạn, sử dụng các phần mềm độc hại và ngăn chặn dữ liệu của 2 thiết bị NFC. Một khi dữ liệu đã bị chặn, kẻ phá hoại có thể ăn cắp các thông tin, chuyển tiếp các dữ liệu này đến một nơi khác hoặc sửa đổi các thông tin để bạn không thu được dữ liệu thực tế. Rủi ro này trước đây còn được gọi là “nghe lén”.
Các cuộc tấn công ở dạng này khá đáng sợ, vì người sử dụng có thể bị đánh cắp các thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, vấn đề cũng rất khó để thực hiện vì NFC yêu cầu khoảng cách khá ngắn để sử dụng. Việc mã hóa và tạo ra một giao tiếp an toàn có thể giúp bạn ngăn chặn bớt được rủi ro này.
3) Vấn đề về các phần mềm độc hại trên di động:
Việc sử dụng NFC sẽ đem đến một số nguy cơ bị lây nhiễm các phần mềm độc hại thông qua các bước tải về. Các phần mềm độc hại này sẽ chạy ngầm và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, mã số ngân hàng, mật khẩu,…và truyền lên web hoặc gửi trở lại thông qua các kênh NFC nếu thiết bị của bạn vẫn còn nằm trong phạm vi của kẻ tấn công.
Tương tự như vậy, tính năng Android Beam cũng có thể là cầu nối để thực hiện các thao tác truyền đi các phần mềm độc hại. Với Android Beam, các thiết bị không cần phải xác nhận việc chuyển giao dữ liệu, hơn nữa nó sẽ tự động chạy các ứng dụng được tải về.
Tóm lại, mặc dù các vấn đề này có thể sẽ được thay đổi trong tương lai, nhưng hiện nay thì đây là các rủi ro nghiêm trọng đối với những va chạm tình cờ khi sử dụng NFC. Tốt nhất là bạn nên cẩn thận và tự bảo vệ mình khỏi các nguy cơ bảo mật không đáng có.