Mate 40 Pro có phải là thiết bị cuối cùng của Huawei?

Vừa qua, Huawei đã cho ra mắt mẫu điện thoại cao cấp nhất của hãng tính đến thời điểm hiện tại, Mate 40 Pro. Thiết bị được ra mắt trong khoảng thời gian công ty đang gặp nhiều khó khăn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và thiệt hại về danh tiếng tại một số quốc gia, điều này đã làm dấy lên câu hỏi liệu Mate 40 Pro có phải là chiếc điện thoại cuối cùng của Huawei hay không.  

Kể từ năm 2018, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Huawei vì cáo buộc công ty có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Đó là lý do tại sao điện thoại Huawei, vốn phổ biến ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả châu Âu nhưng lại không được bán ở Mỹ.

Cũng chính vì việc này mà dòng điện thoại Mate 40 Series (sau Mate 30 và P40) không được truy cập vào các dịch vụ của Google. Trong năm qua, Huawei đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển kho ứng dụng riêng và hệ điều hành “cây nhà lá vườn” Harmony, tuy nhiên, nó vẫn không thể sánh được với Google và Apple. Điều đó đã khiến người dùng e dè khi chọn mua điện thoại Huawei.

Việc thiếu quyền truy cập vào các dịch vụ chính của Android đang gây ra nhiều thiệt hại. Theo báo cáo thị trường hàng tháng mới nhất của Counterpoint Research, Huawei vẫn bám trụ vị trí số một trong bảng xếp hạng thị phần điện thoại thông minh toàn cầu nửa đầu năm 2022 (phần lớn là nhờ thị trường Trung Quốc), nhưng thị phần toàn cầu của Huawei đã giảm xuống chỉ còn 16% trong tháng 8, từ mức 21% hồi tháng 4. 

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh gần nhất là Samsung đã tăng từ 20% lên 22%, điều này đã tạo ra khoảng cách 6% giữa vị trí thứ nhất và thứ hai.

“Nhiều hạn chế mà chính phủ Mỹ đang áp đặt đối với Huawei hiện đã bắt đầu có tác dụng, vì vậy công ty đang mất dần thị phần tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc”, Peter Richardson, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu của Counterpoint chia sẻ với trang CNET qua email. 

Việc triển khai mạng 5G trên toàn cầu đang rất nhộn nhịp, và những công ty không bắt kịp xu hướng này sẽ bị tụt lại phía sau. Công ty thất bại lớn nhất trong bước nhảy vọt từ 3G lên 4G là HTC, đây từng là một trong những nhà sản xuất điện thoại phổ biến nhất thế giới, và giờ đã không còn xuất hiện trong bảng xếp hạng toàn cầu. Tất nhiên, Huawei cũng không muốn gặp phải tình trạng tương tự. 

Huawei là một trong những công ty hàng đầu trong việc xây dựng các thiết bị 5G, và con chip Kirin 9000 được trang bị trên Mate 40 Pro là một ví dụ điển hình. Đây là hệ thống 5G đầu tiên và duy nhất được xây dựng trên tiến trình 5 nm có modem tích hợp sẵn. 

huawei-mate-40-pro

Huawei Mate 40 Pro. Ảnh: Andrew Hoyle/CNET

Tuy nhiên, thật không may, Kirin 9000 là chipset cuối cùng mà công ty có thể sản xuất. Những hạn chế thương mại của Mỹ được áp dụng trong năm nay đã khiến Huawei không thể mua các thành phần cần thiết, và công ty đã ngừng sản xuất chip Kirin vào tháng trước.

Đó là một tổn thất lớn cho công ty bởi Kirin là “vũ khí bí mật” cho phép Huawei vượt lên trước các đối thủ, đặc biệt là những công ty sản xuất điện thoại mới nổi tại Trung Quốc. 

Trong một cuộc họp báo gần đây, Huawei đã từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc mất chip Kirin sẽ ảnh hưởng ra sao đến những dòng điện thoại trong tương lai. 

Ben Wood, trưởng nhóm nghiên cứu của CCS Insight cho biết: “Thật là một bi kịch khi chứng kiến những khó khăn của mảng sản xuất điện thoại Huawei. Từng vượt mặt Samsung để trở thành công ty dẫn đầu thị trường điện thoại di động, nhưng hiện tại Huawei đang phải chiến đấu để tồn tại vì không thể kiếm linh kiện và thương hiệu bị xói mòn”.

Hiện tại, công ty vẫn là nhà sản xuất điện thoại số hai trên thế giới và sự ra mắt Mate 40 Pro, vốn luôn được ưa chuộng đặc biệt ở Trung Quốc, có thể giúp tăng doanh số bán hàng của Huawei trong sáu tháng tới hoặc lâu hơn. 

Tuy nhiên, vẫn còn một dấu hỏi lớn về tương lai của Huawei. Theo dự đoán của  công ty Digitimes Research, Huawei có thể sẽ tụt xuống vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng toàn cầu vào tháng 4-2021. 

Samsung và Apple nhiều khả năng sẽ chiếm hai vị trí đầu bảng vào năm 2021, tiếp theo là Oppo, Vivo và Xiaomi. Một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên phân phối các thiết bị tầm thấp với thương hiệu Tecno, Itel và Infinix ở châu Phi và Nam Á, sẽ đứng thứ sáu. Huawei, bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, dự kiến sẽ lùi xuống vị trí thứ bảy.

Digitimes Research cũng dự kiến lượng điện thoại 5G xuất xưởng toàn cầu sẽ đạt hơn 200 triệu chiếc vào năm 2020 và mở rộng lên hơn 1,22 tỉ chiếc vào năm 2025.

Mỹ tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia
Mỹ tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia
(PLO)- Mới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã chính thức tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc các công ty viễn thông Mỹ sẽ không thể sử dụng quỹ liên bang để mua thiết bị của hai công ty kể trên.
Trở về trang chủ

Đọc thêm