Theo đó, China Mobile từ lâu đã muốn cung cấp điện thoại di động và các dịch vụ liên lạc giữa Mỹ và các quốc gia khác. Nhà mạng đã nộp đơn xin giấy phép cho các cơ quan quản lý của Mỹ vào năm 2011. Tuy nhiên, mới đây, Cục Viễn Thông và Thông tin Quốc gia, một nhánh của Bộ Thương mại Mỹ đề nghị Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) từ chối yêu cầu.
China Mobile có hơn 900 triệu người dùng. Ảnh: Internet
Động thái ngăn chặn China Mobile hoạt động tại Mỹ được xem là đòn trả đũa sau khi Trung Quốc cấm tập đoàn sản xuất chip Micron của Mỹ bán sản phẩm tại quốc gia này. Cuộc chiến về công nghệ, thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên căng thẳng khi ZTE, China Mobile, Huawei… đã được đem lên bàn cân.
Ủy ban Truyền thông Liên bang cho biết China Mobile chịu sự khai thác, ảnh hưởng và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, do đó việc cấp phép cho công ty này có thể sẽ tạo ra những rủi ro về an ninh, rò rỉ các thông tin quan trọng khi người dùng hoặc cơ quan quản lý thực hiện cuộc gọi, liên lạc thông qua nhà mạng China Mobile.
Hiện tại, nhà mạng China Mobile không đưa ra bình luận nào liên quan đến vấn đề trên. Sự từ chối của Mỹ dự kiến sẽ không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của công ty. Theo Ramakrishna Maruvada, nhà phân tích của Daiwa Capital Markets, doanh nghiệp gọi điện thoại quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu của China Mobile.
Đề xuất chống lại China Mobile xuất hiện tại thời điểm căng thẳng về thương mại và an ninh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trump đang cố gắng chống lại tham vọng “made in China” của Trung Quốc, cáo buộc các công ty của nước này gây áp lực và ăn cắp tài sản trí tuệ để trở thành đầu tàu công nghệ trên thế giới, tuy nhiên, phía Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc.
Trước đó, chính quyền Trump đã chặn nhà sản xuất chip Broadcom mua lại công ty Qualcomm với mức giá 117 tỉ USD. Việc này cũng không có gì khó hiểu bởi thỏa thuận mua bán có thể khiến Mỹ bị tụt lại trong công cuộc phát triển 5G. Không lâu sau, đến lượt ZTE bị Mỹ cấm vận trong vòng bảy năm vì đã cố tình bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên.
ZTE từng lên kế hoạch ra mắt hai mẫu smartphone bình dân Blade V9 và Blade V9 Vita tại Mỹ trong năm nay nhưng buộc phải hủy bỏ. Ảnh: Internet
Sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ đã đồng ý thu hồi lệnh cấm và đổi lấy một khoản tiền phạt. Tuy nhiên, ZTE vẫn phải đối mặt với tương lai đen tối vì một số thành viên Quốc hội đang tìm cách giữ nguyên lệnh cấm.
Mới đây, công ty chế tạo vi mạch Fujian Jinhua Integrated Circuit Co (FJICC) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã kiện công ty sản xuất chip Micron của Mỹ và yêu cầu ngừng bán hơn 12 loại ổ lưu trữ bán dẫn, thẻ nhớ và vi mạch tại Trung Quốc. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh với hàng tỉ USD tiền thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 6-7.
Theo đó, Micron là nhà cung cấp sản phẩm bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu, chỉ đứng sau Samsung, SK Hynix (Hàn Quốc) và Intel (Mỹ) với hơn một nửa doanh thu thực trong năm 2017 đến từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc thành lập FJICC tháng 2-2016 nhằm chế tạo các vi mạch của riêng mình với khoản đầu tư 37 tỉ nhân dân tệ (tương đương 5,55 tỉ USD) để xây dựng dây chuyển sản xuất riêng mà không phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.
Chính quyền Mỹ từ lâu đã cảnh giác cao với các công ty Trung Quốc có quyền truy cập vào mạng viễn thông của Mỹ. Một báo cáo hồi năm 2012 cho thấy ZTE và Huawei từng được xem là mối đe dọa an ninh quốc gia, dù không có bằng chứng rõ ràng như Mỹ vẫn hạn chế phần lớn các hoạt động kinh doanh của hai công ty này tại Mỹ.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.