Không phải Apple hay Huawei mà nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến tranh lạnh công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc là ZTE. Đây là một trong những công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc với doanh thu hằng năm khoảng 17 tỉ USD. Theo đó, vào tháng 4-2018, các quan chức Mỹ đã phát hiện ZTE làm sai thỏa thuận vì không kỷ luật 35 nhân viên sai phạm. Vì lẽ này, Bộ Thương mại Mỹ đã phản ứng và ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm công nghệ cho ZTE trong bảy năm. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty công nghệ cao của Mỹ như Qualcomm sẽ không thể bán bất cứ thứ gì cho ZTE từ đây cho đến năm 2025.
Trong bảy năm tới, ZTE sẽ không bán điện thoại di động ở Mỹ. Nếu không có Qualcomm, ZTE chỉ có thể mua các CPU từ Samsung, Huawei hoặc MediaTek. Tuy nhiên, Qualcomm sở hữu khá nhiều bằng sáng chế cho mạng di động dựa trên CDMA được sử dụng ở Mỹ, do đó gần như rất khó để ZTE có thể bán sản phẩm tại Mỹ mà không dính đến công nghệ của Qualcomm.
Thêm vào đó, nhiều khả năng các hãng khác như Samsung cũng sẽ làm theo phía Mỹ để hạn chế các vấn đề phát sinh, tránh bị ảnh hưởng đến việc kinh doanh do ZTE. Tương tự, Huawei cũng đang đau đầu để giải quyết vấn đề kinh doanh tại Mỹ bởi sáu cơ quan lớn tại quốc gia này đã đề nghị người dùng không sử dụng sản phẩm của Huawei, các nhà mạng lớn như AT & T, Verizon và Best Buy cũng đã ngừng kinh doanh điện thoại Huawei.
Chỉ còn một lựa chọn duy nhất cho ZTE vào lúc này là MediaTek. Tuy nhiên, bộ xử lý của hãng này thường không mạnh bằng Snapdragon (Qualcomm), Kirin (Huawei) và sử dụng các modem kém hiệu quả. Lệnh cấm sẽ khiến ZTE khó khăn hơn trong việc sử dụng hệ điều hành Android của Google. Hiện tại có rất ít lựa chọn để thay thế bởi Microsoft và HP không còn cung cấp hệ điều hành cho smartphone, iOS lại độc quyền và ZTE thì không có hệ điều hành của riêng mình. Giải pháp duy nhất lúc này chỉ có thể là Tizen của Samsung, tuy nhiên hãng chỉ hỗ trợ một vài ứng dụng.
Sau khi bị cấm, ZTE đã ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Thâm Quyến. Giao dịch cổ phiếu của công ty đã bị đình chỉ trong nhiều tuần. Cuối tuần trước, ban quản lý ZTE đã gửi một email cho các nhân viên để thông báo về những nỗ lực trong việc hòa giải với Mỹ. “Ngay cả đêm dài nhất cũng kết thúc trong ngày. Hãy để chúng tôi kiên quyết và tự tin và tràn đầy hy vọng, chào đón bình minh sắp tới” - email kết luận.
Đứng trước khó khăn trên, ZTE đã cầu cứu Chủ tịch Tập Cận Bình (Trung Quốc). Không lâu sau đó, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình để đưa Công ty ZTE trở lại. “Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất” ông Trump viết trên Twitter. Tuy nhiên, mới đây một nhóm thượng nghị sĩ thuộc các đảng Cộng hòa và Dân chủ đã sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng nhằm phục hồi lệnh cấm đối với ZTE. Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ việc này tại Thượng Viện chiếm 85-10, đi ngược lại mong muốn của Tổng thống để cứu gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Theo hãng tin Xinhua, ZTE có 75.000 nhân viên và hoạt động kinh doanh tại hơn 160 quốc gia. Đây là nhà cung cấp smartphone đứng thứ tư tại Mỹ, các thiết bị viễn thông của ZTE hiện đang có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Mỹ luôn xem ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, do đó việc kinh doanh của hai công ty này luôn gặp rắc rối trên đất Mỹ. Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm bài viết tại địa chỉ http://bit.ly/2JPZnsO.
Tiền thân của ZTE là công ty thiết bị viễn thông Zhongxing được thành lập vào năm 1985. Đây là liên doanh giữa Bộ hàng không vũ trụ Trung Quốc và hai công ty khác. Trong vòng vài năm, công ty đã sản xuất điện thoại ở vùng nông thôn Trung Quốc, trước khi mở rộng ra thành phố và sau đó ra nước ngoài. Một nửa công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Hầu hết các giám đốc điều hành hàng đầu tại ZTE đều là những cựu chiến binh có nền tảng kỹ thuật.
Lệnh cấm của Mỹ đã khiến Trung Quốc tăng cường đầu tư và nỗ lực để nâng cấp các nhà máy sản xuất vi mạch riêng, ngay cả khi phải mất một thập niên để làm như vậy nhằm ngăn chặn sự việc trên xảy ra thêm lần nữa.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.