An ninh mạng đang trở thành mối quan ngại toàn cầu - Ảnh: Reuters
Như vậy, Nhật Bản cũng đã tiếp bước Mỹ khi chính quyền chính thức công nhận mạng điện tử “là khu vực thuộc về an ninh quốc gia, như vùng đất, biển, vùng trời và không gian ngoài vũ trụ”.
Báo Yomiuri Shimbun dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Koichiro Gemba nói luật pháp quốc tế về chiến tranh cũng có thể được áp dụng cho an ninh mạng. Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép một thành viên sử dụng vũ lực trong trường hợp tự vệ nếu bị tấn công cho tới khi Hội đồng Bảo an LHQ có thể thực thi các biện pháp cần thiết nhằm lặp lại hòa bình và an ninh.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định điều này trong một cuộc gặp ở Trung tâm an ninh thông tin quốc gia do văn phòng thủ tướng chủ trì, theo một báo cáo tóm tắt cuộc gặp được công bố ngày 21-5. Những người tham dự có ông Gemba, chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura, chủ tịch ủy ban an ninh toàn quốc Jin Matsubara, Bộ trưởng nội vụ và thông tin liên lạc Tatsuo Kawabata và Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Yukio Edano.
Trong các cuộc tấn công trên mạng thường thấy, virus máy tính được sử dụng xâm nhập các mạng lưới thông tin để thay đổi hoặc đánh cắp thông tin lưu trữ trên đó. Những kẻ tấn công đôi khi cũng gửi một lượng lớn dữ liệu tới một máy tính hoặc một mạng nội bộ để làm tê liệt hoạt động của chúng.
Do ngày càng có nhiều trang web chính quyền bị tấn công, nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo về việc cần tăng cường an ninh mạng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu phát triển các vũ khí trên mạng, nhưng virus có thể đánh bại những cuộc tấn công mạng từ bên ngoài lãnh thổ.
Năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố họ sẽ coi các cuộc tấn công trên mạng như “một hành động chiến tranh” và có thể xem xét đáp trả bằng hành động quân sự thực.
Dự kiến tháng 8 tới sẽ diễn ra một cuộc gặp của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Trong khi Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu nói phải sử dụng không gian mạng một cách hiệu quả trong việc đảm bảo tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, Trung Quốc và Nga muốn kiểm soát chặt chẽ hơn, nên các nước sẽ cần đạt được sự đồng thuận ở quy mô toàn cầu.
Theo Hải Minh (TTO)