Ảnh minh họa
The Beaver (Con hải ly – con vật đã có thời được coi là biểu tượng của đất nước Canada) là một tạp chí chuyên ngành dành cho những người kinh doanh mặt hàng da và lông hải ly trong ngành công nghiệp thời trang. Theo “tâm sự” của ông tổng biên tập tạp chí này, hầu hết trong số hơn 30.000 người ghé thăm trang web của họ mỗi tháng chỉ dừng lại ở đó chưa đến 10 giây bởi họ phát hiện ra rằng đó chỉ là một website rất bình thường chứ không chứa bất kỳ một nội dung khiêu dâm (vì đoán theo tên gọi) nào như họ lầm tưởng.
Nhưng The Beaver không phải là trường hợp duy nhất “chết oan” vì cái tên rất hợp pháp của mình. Hồi năm 2004, viện bảo tàng Horniman ở thủ đô London của Anh cũng phát hiện ra rằng toàn bộ email gửi đến bảo tàng đều bị các bộ lọc spam chặn đứng từ xa do cái tên Horniman trong sáng đã bị hiểu lầm thành một dạng biến thể của cụm từ " horny man " (người thích quan hệ tình dục).
Chưa hết, một website chuyên về kiến thức lịch sử cho trẻ em có tên là RomansInSussex (Sussex là tên một địa danh ở Anh) cũng đã từng có thời bị chặn chỉ vì có từ “sex” trong tên miền. Những email có chứa từ "socialist" (nhà hoạt động xã hội) cũng nhiều lần điêu đứng bởi các bộ lọc spam coi đó là một biến thể của từ "Cialis" – tên gọi một loại thuốc cường dương.
Deborah Morrison, ông chủ của tạp chí The Beaver phát biểu trước các phóng viên trong sự kiện đổi tên: “Trở lại những năm 1920, The Beaver là cái tên cực kỳ phù hợp và đáng tự hào nhưng đến nay, cùng với sự phát triển của Internet, cái tên này đã thực sự trở thành một vật cản quá lớn cho sự phát triển của tạp chí và không còn cách nào khác là chúng tôi phải đổi tên". Nhưng quyết định của The Beaver bây giờ vẫn còn là hơi muộn bởi năm 2001, trường đại học Beaver tại bang Pennsylvania (Mỹ) cũng đã phải đổi tên với lý do tương tự.
Trong giới CNTT, những vụ website hoặc email vô tội bị “chém” oan không phải là điều gì quá mới mẻ và người ta đã đặt cho hiện tượng này cái tên “Sự cố Scunthorpe” – lấy theo vụ toàn bộ người dân của thị trấn Scunthorpe (Anh) bị cấm đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ Internet AOL chỉ vì cái tên địa danh nơi họ đang sinh sống lại là một từ bị cấm trong danh sách đen của nhà mạng. Cùng với Scunthorpe, cư dân thị trấn Nam Yorkshire ở vùng Penistone cũng gặp rắc rối tương tự chỉ vì cái tên có chứa từ “Penis”.
“Trong thời buổi sơ khai của Internet, “Sự cố Scunthorpe” là có thể thông cảm được. Nhưng đến giờ này, khi người ta luôn miệng tự hào rằng thế giới Internet đã phát triển vượt bậc mà các bộ lọc spam vẫn không thể phân biệt đâu là nội dung sạch và đâu là nội dung bẩn thì không thể chấp nhận được”, một
Các chuyên gia về Web lại có cái nhìn đầy sự thông cảm khi cho rằng thế giới world wide web ngày nay đang “ngụp lặn trong rác rưởi” nên buộc các ISP phải mở rộng bộ lọc của mình và chấp nhận thảm cảnh “giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
“Nếu đang làm việc trong lĩnh vực web bạn sẽ hiểu, cuộc chiến giữa giới spammer và các ISP là không hề cân sức bởi chúng (spammer) ngày càng tinh ranh và khôn khéo với nguồn ngân sách dồi dào như vô tận bởi lợi nhuận từ ngành kinh doanh thuốc tăng kích thước, thuốc cường dương, dược phẩm giả…”, Christian Kreibich – một chuyên gia của Viện khoa học máy tính quốc tế ở California (Mỹ) nói.
“Hãy thông cảm bởi nếu không có các bộ lọc, chúng ta sẽ bị tấn công bởi hơn 400 tỷ thư rác mỗi ngày”, đại diện của hãng Cisco nói.
Theo Lê Trí (ICTnews / BBC)