Mới đây, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục đã tung ra thị trường sách giáo khoa điện tử dưới dạng máy tính bảng trong đó đã cài sẵn 12 bộ sách của 12 năm học các cấp học phổ thông. Sự xuất hiện của SGKĐT này đã dấy lên những dư luận nhiều chiều như: giá quá cao; liệu phần cứng của SGK có đủ sức tồn tại suốt 12 năm; sự độc quyền của NXB Giáo Dục trong việc phát hành sẽ cản trở nhà đầu tư khác; sao không phát hành dưới dạng mềm để sử dụng trên máy tính bảng?...
Trước tiên, có lẽ nên nói đến bản quyền. Theo TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), bản quyền SKG là của Bộ GD-ĐT chứ không phải là của NXB Giáo dục. Điều này cần phải làm rõ để các đối tác khác có thể cùng nhảy vào cuộc chơi, không để NXB Giáo dục độc quyền. Hơn nữa, ông Ngọc cũng đề cập thêm: Khi đã là SGKĐT thì các nội dung của nó phải là dạng đa phương tiện (multimedia) và mỗi NXB lại có cách làm riêng, không ai giống ai. Như vậy, thực chất SGKĐT chỉ dựa trên nền các nội dung của SGK giấy và các nhà đầu tư phải đồ họa hóa, hoạt hình hóa các nội dung. Vấn đề là các đối tác khác phải chủ động vào cuộc và đừng quá thiên về việc NXB Giáo dục đang nắm độc quyền nên không thể thâm nhập.
Về giá đắt, đây là câu chuyện của thị trường, người dùng sẽ quyết định. Dẫu sao SGKĐT cũng chỉ là thêm một sự lựa chọn cho học sinh, chưa thể có chuyện học sinh thôi dùng SGK giấy để dùng SGKĐT vì chưa có quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, với một số lượng không nhỏ học sinh ở thành phố đã quen thuộc máy tính và cả thiết bị di động cầm tay của phụ huynh thì việc sử dụng SGKĐT có thể là sự lựa chọn của họ. SGKĐT sẽ rất có tác dụng kích thích sáng tạo với các đối tượng sử dụng. Ít nhất, việc làm bài tập của các môn học phải thực hiện dưới dạng điện tử cũng là điều rất nên và tin rằng cả thầy và trò đều rất hứng thú điều đó.
Theo Tân Khoa (NLĐO)