Sàn thương mại điện tử tràn ngập hàng nhái

Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường cho biết Pinduoduo nên tăng cường quản lý nền tảng, điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp bên thứ ba, tuân thủ pháp luật và duy trì sự phát triển lành mạnh, nhanh chóng và bền vững.

Huang Zheng, giám đốc điều hành của Pinduoduo thề sẽ “triệt để cải chính và cải cách”, hợp tác với các nhà điều hành điều tra những cáo buộc trên. Pinduoduo có trụ sở tại Thượng hải (Trung Quốc), công ty được hỗ trợ bởi gã khổng lồ Tencent và được định giá 23,8 tỷ USD vào tuần trước trong đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) ở New York.

Giá cổ phiếu của Pinduoduo đã giảm xuống dưới mức giá IPO trong tuần này sau cuộc điều tra. Sau khi IPO, Pinduoduo đã trở thành chủ đề của nhiều trang thông tin. 

Cuối tuần qua, Skyworth, nhà sản xuất thiết bị nghe nhìn của Trung Quốc, đã yêu cầu Pinduoduo loại bỏ các sản phẩm Skyworth giả từ nền tảng này và cho biết họ có quyền kiện về vấn đề này. Vào ngày 19-7, nhà sản xuất tã của Mỹ Daddy's Choice đã đệ đơn kiện Pinduoduo tại tòa án liên bang New York, cáo buộc các công ty Trung Quốc cố ý cho phép các gian hàng bán sản phẩm giả mạo trên trên sàn.

Pinduoduo cho biết họ đang cố gắng ngăn chặn các nhà cung cấp bán sản phẩm giả mạo, ví dụ, nếu một sản phẩm bị phát hiện là hàng giả, người bán phải hoàn trả cho người mua gấp 10 lần giá trị. Tuy nhiên, không khó để phát hiện hàng giả trên Pinduoduo. Nhiều người mô tả hàng hóa trên trang Pinduoduo bằng cụm từ “shanzai”, một thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm trông giống như các tên thương hiệu lớn nhưng bị sai chính tả. Đơn cử như Vivi hay Shaasuivg, gần giống với thương hiệu của hai nhà sản xuất smartphone Vivo và Samsung. 

Những thương hiệu nhái được bán với giá cực thấp nhằm dụ dỗ người dùng có thu nhập thấp. Việc cung cấp phương thức giao dịch theo nhóm đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của nền tảng khi nhiều người dùng rủ nhau cùng mua sắm trên các mạng xã hội Trung Quốc. 

Pinduoduo không phải là trang TMĐT duy nhất của Trung Quốc bị cáo buộc bán hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vào tháng 1, các quan chức thương mại Mỹ đã phân loại Taobao (thuộc sở hữu của Alibaba) như một “thiên đường” hàng giả, mặc dù công ty cho biết đang đẩy mạnh nỗ lực quản lý thị trường.

Tương tự, các trang TMĐT lớn tại Việt Nam như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... cũng đang vấp phải nhiều cáo buộc liên quan đến việc bán hàng giả, hàng nhái. Gần đây nhất là vụ Shopee bán đồ chơi dành cho trẻ em có bản đồ chứa "đường lưỡi bò".

Việc lỏng lẻo trong khâu tạo gian hàng, kiểm duyệt sản phẩm đã giúp hàng giả có cơ hội phát triển mạnh. Khi thử tìm kiếm từ khóa Galaxy S9 hay iPhone X, không khó để tìm được các mẩu tin rao bán sản phẩm với mức giá chỉ khoảng 2,8-3,5 triệu đồng. Đơn cử trên Lazada từng bán Samsung Galaxy S9+ xách tay với mức giá chỉ 2,85 triệu đồng, Oppo F5 xách tay cũng chỉ còn 1,9 triệu đồng, iPhone 7 Plus 2,7 triệu đồng... Trong khi thực tế mức giá của những sản phẩm này dao động trong khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Thậm chí cả hàng xách tay cũng không thể có mức giá siêu rẻ như trên.

Nếu là một người am hiểu thị trường và công nghệ, bạn có thể nhận ra ngay đây chỉ là các sản phẩm nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức và đủ khả năng phân biệt hàng giả, hàng nhái thông qua mức giá vô lý như vậy, nhất là những người có ít điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm cao cấp.

Phía Lazada cũng như Sendo đã nhanh chóng tắt chức năng giao dịch và làm việc với nhà bán hàng, điều này cho thấy sự yếu kém hoặc quá tải trong khâu kiểm duyệt hàng hóa. Hệ lụy từ hàng nhái hàng giả là bản thân các hãng sản xuất sẽ bị mất uy tín, niềm tin của người dùng vào thương mại điện tử sẽ bị sụt giảm (vốn đã rất thấp). 

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.


Đọc thêm