Xiaoqing Zheng (56 tuổi) đã sử dụng “các phương tiện tinh vi” để lấy cắp dữ liệu từ các phòng thí nghiệm bí mật của Công ty General Electric (GE). Sau đó, ông đã gửi các tập tin này từ email công ty sang tài khoản cá nhân.
“Zheng thực hiện quy trình chuyển dữ liệu khá nhanh, điều này cho thấy ông đã thực hành các kỹ thuật này nhiều lần và sử dụng chúng trong quá khứ” - Cục điều tra liên bang cho biết trong đơn tố cáo.
Zheng được General Electric thuê làm kỹ sư chính vào năm 2008 và ông cũng mở một công ty riêng tại Trung Quốc vào năm 2015. GE bắt đầu theo dõi máy tính của Zheng sau khi phát hiện ông sử dụng USB để lấy ít nhất 19.020 tập tin dữ liệu. Sau một cuộc điều tra kéo dài bốn năm, FBI đã bắt giữ Zheng sau khi khám xét nhà ông, họ tịch thu hộ chiếu và tìm thấy một số thứ quan trọng như cuốn sổ tay ghi chú các công ty được cung cấp dữ liệu. Theo ghi nhận, Zheng đã đến Trung Quốc năm lần trong hai năm qua.
“Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với FBI một thời gian về vấn đề này”, General Electric cho biết trong một tuyên bố. “Tại GE, chúng tôi tích cực bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và áp dụng các quy trình nghiêm ngặt để xác định những vấn đề này, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật”.
Vụ bắt giữ của Zheng xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, phần lớn là những lời than phiền rằng Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ hoặc buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ bí quyết để đổi lấy việc kinh doanh trong nước.
Trump đã áp đặt trừng phạt thuế quan đối với hàng chục tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và có kế hoạch tăng thêm áp lực lên Bắc Kinh để hạn chế nạn gián điệp công nghiệp.
Các nhà điều tra Mỹ cho rằng Zheng có thể đã bắt đầu ăn cắp hàng ngàn tập tin chứa bí mật công nghiệp của GE từ năm 2014. Hành vi trộm cắp bí mật thương mại có thể khiến Zheng phải đối mặt với án tù tối đa là 10 năm và đóng tiền phạt 250.000 USD cũng như bị giám sát ba năm liên tục.
Việc hacker, kỹ sư, công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ của các nước khác vốn chẳng phải là điều mới mẻ. Năm 2003, Cisco kiện Huawei ra tòa vì phát hiện thấy mã nguồn riêng của mình bên trong phần mềm của Huawei. Công ty Trung Quốc cuối cùng cũng thừa nhận một phần nhỏ của phần mềm quản lý router được sao chép từ Cisco nhưng cho rằng việc này chỉ là vô tình.
Hầu hết các đồng minh của Mỹ vẫn cho phép sử dụng các sản phẩm của Huawei trong mạng viễn thông nhưng xem xét kỹ lưỡng các lỗ hổng bảo mật có thể xảy ra. Vào năm 2010, Huawei đã mở một trung tâm đánh giá an ninh mạng được gọi là Cell tại Banbury (miền Nam nước Anh) như thỏa thuận trước đó.
Các quan chức thực thi pháp luật đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự thâm nhập và gián điệp của Trung Quốc tại các cơ sở giáo dục của Mỹ. Giám đốc FBI Christopher A. Wray cho biết văn phòng hiện đang theo dõi thận trọng khi chính phủ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại các cơ sở của Mỹ theo nhiều cách, đơn cử như thông qua Viện Khổng Tử và các mối quan hệ đối tác nghiên cứu.
Đáp lại những lời cáo buộc trên, Huawei phủ nhận mối quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và tất cả cáo buộc xâm phạm trên Internet. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang tung ra một loạt các hành động để đối đầu với sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là việc trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ…
Không chỉ riêng ở Mỹ, Huawei còn phải “đấu tranh” tại Úc khi có thông tin các nhà chức trách nước này có thể cấm hãng công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng di động 5G tại Úc.
Sắp tới, các hãng viễn thông của Úc sẽ phải thuê các công ty công nghệ để xây dựng mạng di động siêu nhanh nhưng cơ hội để Huawei tham gia vào dự án là không nhiều vì công ty đang gặp sự phản đối từ các cơ quan an ninh quốc gia Úc.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc khác như Lenovo, Xiaomi và BBK (chủ sở hữu của thương hiệu smartphone Oppo, Vivo và OnePlus) không có mối quan hệ rõ ràng với chính phủ... Tất nhiên, việc này cũng không hoàn toàn đảm bảo người dùng sẽ an toàn hoặc không bị đánh cắp thông tin. Trước đó vào năm 2015, cả Lenovo và Xiaomi đều bị cáo buộc cài sẵn phần mềm thu thập dữ liệu người dùng và gửi về máy chủ tại Trung Quốc.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.