Năm nay Sony phát triển cả NEX-3 và NEX-5 với kiểu dáng nhỏ gọn, có thể thay đổi ống kính, sử dụng cảm biến APS-C để cạnh tranh trực tiếp với các máy ảnh định dạng Micro Four Thirds của Panasonic và Olympus. Sau đó vào tháng 8, hãng máy ảnh Nhật Bản tiếp tục trình diễn các model DSLR với hệ thống gương mờ bao gồm hai model SLT-A55 và SLT-A33.
Khu vực phòng làm sạch nhằm đảm bảo bụi không xuất hiện giữa các lớp kính. Điều này rất quan trọng để duy trì chất lượng cao trong sản xuất ống kinh. Ảnh: Sony.
Để giảm chi phí sản xuất và cạnh tranh với hai hãng lớn là Canon và Nikon, Sony đã bắt đầu chuyển nhà máy chế tạo một số máy ảnh DSLR của mình đến Thái Lan chứ không phải Nhật Bản bắt đầu từ năm 2009. Trong năm 2010 này, các máy ảnh NEX và SLT bắt đầu sản xuất tại một cơ sở nằm ở Ayutthaya, địa phận nằm cách thủ đô Bangkok khoảng một giờ lái xe.
Quá trình thử nghiệm máy ảnh tương tự như tại Nhật Bản, bao gồm cả việc thử nghiệm tính năng nhận diện nụ cười với các hình ảnh nụ cười. Ảnh: Sony.
Ayutthaya bắt đầu là nơi sản xuất hàng hóa của Sony từ năm 1988 nhưng cho tới năm 2009, hãng đã thay đổi các nhà máy chế tạo TV LCD thành sản xuất máy ảnh kỹ thuật số. Hiện nay, nhà máy tại đây sản xuất bốn sản phẩm chính bao gồm NEX-3, NEX-5, SLT-A33, SLT-A55 cũng như các ống kính ngàm E-mount và A-mount.
Khi được hỏi tại sao Sony không sản xuất các máy ảnh tại Trung Quốc (máy ảnh compact Cyber-Shot của hãng được chế tạo tại đây), Giám đốc quản lý, Yoshimichi Kanou, cho biết, khó khăn nằm ở khâu tìm kiếm nhân lực và giá trị đồng Nhân dân tệ tăng cao khiến chi phí nhân công cũng tăng theo khiến công ty quyết định chọn Thái Lan để sản xuất máy ảnh Alpha.
Thông báo với khẩu hiệu "Made in Thailand Best Quality" (sản xuất tại Thái Lan chất lượng tốt nhất). Đây là slogan trọng tâm được dán khắp nơi trong nhà máy. Ảnh: Sony.
Nhà máy tại Ayutthaya sử dụng 3.300 công nhân và có thể sản xuất tối đa 260.000 bộ sản phẩm máy ảnh (thành phẩm đóng hộp) trong một tháng. Để đảm bảo chất lượng, Sony cử hẳn một đội ngũ chuyên gia từ Nhật Bản làm việc tại đây và theo đúng quy trình của hãng đã đặt ra như tại đất nước mặt trời mọc.
Mặc dù vậy, đối với một thành phần quan trọng làm nên thương hiệu của một chiếc DSLR như cảm biến, Sony vẫn "cẩn thận" sản xuất chúng tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, các bộ phận khác như phần vỏ, linh kiện mạch, hộp gương vẫn được đặt chung tại Ayutthaya.
Theo Cnet, 42% các máy ảnh sản xuất tại nhà máy này được chuyển đến thị trường châu Á (bao gồm cả Nhật Bản).
Theo Hoài Anh (Sohoa)