Sau 2 năm đại dịch, người dùng trong khu vực đã bắt đầu quay trở lại “đường đua xê dịch”, cùng với đó là những sở thích du lịch hoàn toàn mới.
Theo dữ liệu nội bộ của Klook, số lượng đặt vé nước ngoài trong tháng 5 đã tăng gấp 4 lần so với đầu năm nay, báo hiệu nhu cầu du lịch tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu còn cho thấy người dùng ở châu Á thích đi du lịch cùng nhóm bạn hơn, và chỉ 30% bày tỏ sự hứng thú với việc đi du lịch một mình và tự phát. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn trước đại dịch, khi mà hơn 79% người trẻ thế hệ Millennials lựa chọn đi một mình khi được thăm dò ý kiến.
Phát hiện này cho thấy, sau đại dịch, người dùng khao khát được chia sẻ trải nghiệm với bạn bè và người thân yêu, thay vì tận hưởng một mình.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, du khách Việt Nam có xu hướng đi du lịch để tận hưởng văn hóa địa phương, khi mà 70% du khách lựa chọn trải nghiệm văn hoá, thưởng thức cảnh quan, âm thanh của nơi họ đến, và chỉ 30% chọn khám phá các địa điểm văn hoá lịch sử.
“Những thông tin và kết quả của khảo sát không làm chúng tôi ngạc nhiên. Hai năm qua thật sự là một vòng xoáy của cảm xúc, khiến cho mọi người định hướng lại nhu cầu cùng sở thích của mình.
Mọi người đi du lịch bây giờ không chỉ đơn thuần là để nghỉ ngơi về mặt tinh thần. Đây còn là về việc khám phá ra điều gì thật sự mang lại cho họ niềm vui, cũng như để họ kết nối với những người thân yêu”, Bà Michelle Ho, Giám đốc Điều hành Philippines, Thái Lan và Việt Nam của Klook chia sẻ.
Người dùng Việt Nam chọn du lịch trong một không gian thoải mái. Ảnh: TIỂU MINH |
Phần lớn người dùng ở châu Á muốn được thư giãn trong không gian thoải mái. 60% thích tận hưởng một chuyến nghỉ dưỡng sang trọng hơn là đi phượt. Một sự thay đổi đáng kể khác là họ mong muốn có những “kì nghỉ chậm”.
7 trong 10 người lựa chọn một chuyến đi nhẹ nhàng thoải mái thay vì đi với ngân sách tiết kiệm. Đại dịch chắc chắn đã thử thách rất nhiều người, và du khách vì thế ngày càng tìm kiếm những khoảnh khắc du lịch giúp họ thư giãn và tận hưởng nhất có thể.
Người dùng ở Việt Nam thích “có hội có thuyền" khi đi du lịch, với 75% người được khảo sát bày tỏ họ đi du lịch để kết nối với bạn bè, và chỉ 25% đi là để được dành thời gian cho bản thân.
Mặc dù đang sống ở một quốc gia nhiệt đới với nhiệt độ cao quanh năm, người Việt Nam vẫn thích đi du lịch đến những nơi có khí hậu nóng.