Nghi ngờ này xuất phát từ một chuyên gia chống khủng bố người Anh. Chuyên gia này cho rằng những kẻ khủng bố không gian mạng có thể đã sử dụng một loạt các “mã” để tấn công vào hệ thống giải trí trên máy bay và lách qua phần mềm bảo mật.
Theo Sally Leivesley, một cựu cố vấn khoa học của Bộ Nội vụ Anh, tốc độ, hướng và độ cao của chiếc máy bay Boeing 777 có thể đã bị thay đổi bằng cách sử dụng các tín hiệu radio gửi đi từ một thiết bị nhỏ. Nghi ngờ này xuất phát sau khi các nhà điều tra xác định rằng một người nào đó có kiến thức, hiểu biết về hệ thống máy bay đã cố tình lái máy bay đi chệch hướng.
Trao đổi với tờ Sunday Express của Anh, Leivesley cho rằng “đó có thể là vụ cướp máy bay qua không gian mạng đầu tiên trên thế giới. Đây là phiên bản ban đầu của cái gọi là máy bay thông minh (smart plane), một chiếc máy bay được điều khiển qua các tín hiệu điện tử”.
Leivesley nói các bằng chứng ngày càng cho thấy có một ai đó đã chiếm quyền kiểm soát của máy bay và lấn át hệ thống của máy bay từ xa hoặc từ một chỗ ngồi trong máy bay.
“Tất cả những điều này cho thấy có vẻ đây là kế hoạch của một người rất am hiểu hệ thống kỹ thuật phức tạp”, Leivesley nói. “Khi máy bay đang bay, bạn có thể chèn vào một loạt các câu lệnh và mã gây ảnh hưởng đến tín hiệu hoặc toàn bộ quá trình điều khiển”.
Các nhà điều tra cũng đã cho rằng chính bản thân các phi công có thể đã tắt thiết bị liên lạc của máy bay và chuyển hướng máy bay, tuy nhiên các quan chức nói họ rất khó làm cho chiếc máy bay biến mất khỏi radar. Các phi công lái máy bay thương mại cho rằng việc tắt hệ thống được thiết kế tự động liên lạc với các trạm điều khiển mặt đất phức tạp và khó hoăn hơn nhiều so với việc chỉ bấm một nút tắt đơn thuần.
Theo họ, để vô hiệu hệ thống liên lạc, phải trải qua nhiều bước, có thể phải kéo các bộ phận ngắt mạch và để làm được như vậy, người đó phải có kế hoạch, tính toán trước và phải rất hiểu biết về máy bay.
Những thông điệp cầu nguyện, hỗ trợ được viết tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur |
Ngoài ra, còn nhiều bằng chứng cho thấy MH370 bị tất công mạng xuất phát từ việc Boeing trước đây từng bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của hệ thống máy bay, và thậm chí Boeing đã liên lạc với Cục hàng không liên bang Mỹ để xin phép thay đổi một số thiết bị trên máy bay. Hồi tháng 8/2012, Boeing đã bổ sung thêm ứng dụng bảo mật trên một số mẫu máy bay Boeing 777.
Ngoài ra, Boeing lo ngại rằng hệ thống giải trí bên trong máy bay, bao gồm các kết nối USB, có thể đã bị hacker lợi dụng để tiếp cận đến máy tính của máy bay. Cách đây 5 tháng, Cục hàng không Mỹ đã cho phép Boeing thay đổi các hệ thống bên trong máy bay.
“Cấu hình mạng lưới tích hợp bên trong các mẫu máy bay Boeing 777-200, -300 và -300ER có thể đã cho phép gia tăng các kết nối với các mạng lưới bên ngoài và sẽ có thêm nhiều hệ thống, mạng lưới liên kết nối hơn, chẳng hạn như dịch vụ thông tin và giải trí hành khách, hơn các mẫu máy bay trước đây”, báo cáo tháng 11/2013 của U.S. Federal Register cho biết. “Điều này có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu khai thác các lỗ hổng bảo mật mạng lưới và làm tăng các nguy cơ gây tình trạng mất an toàn cho máy bay và hành khách”.
Năm ngoái, một nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã trình diễn khả năng tấn công máy bay bằng ĐTDĐ. Theo đó, tại hội nghị về bảo mật Hack-In-The-Box diễn ra hồi tháng 4/2013 ở Amsterdam, Hugo Tesco đã chứng minh chỉ bằng smartphone Android, một “mã tấn công” và một ứng dụng Android mang tên PlaneSploit, anh có thể tấn công cả hệ thống máy bay cũng như màn hình của phi công.
Cục hàng không liên bang Mỹ đã nhanh chóng phủ nhận những gì Teso khẳng định rằng anh có thể điều khiển máy bay từ xa.
“Kỹ thuật mà Teso miêu tả không thể can thiệp hoặc kiểm soát hệ thống lái tự động của máy bay, hoặc ngăn cản phi công khống chế máy lái tự động”, FAA nói. “Vì thế, hacker không thể chiếm được ‘toàn bộ quyền kiểm soát’ máy bay như Teso tuyên bố”.
Theo Bảo Bình (ICTnews / IBTimes)