Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022, các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội (MXH) hay còn gọi là hình thức mua bán trong cộng đồng như Facebook, Zalo, Instagram, Tik Tok… tiếp tục bùng nổ. Thống kê cho biết trong năm 2021 có tới 57% doanh nghiệp (DN) cho biết có sử dụng hình thức kinh doanh này.
Ước tính trong năm 2021, mô hình mua bán này đạt khoảng 492 tỉ USD. Accenture dự đoán, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 26% thì doanh số năm 2025 có thể vượt mức 1.200 tỉ USD.
Mua bán trên MXH đang nở rộ. ẢNH: TRƯỜNG GIANG |
Kinh doanh trên mạng xã hội nhiều tiềm năng
Nghiên cứu của Accenture cho biết, trong năm 2021 gần hai phần ba thành viên các MXH được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Con số tương ứng là gần 2 tỉ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng.
Tuy nhiên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng nhìn nhận, hình thức kinh doanh này mang lại lợi ích rõ ràng cho DN lẫn đông đảo cá nhân có thời gian, ít vốn và không nắm vững công nghệ lại muốn tăng thêm thu nhập, nhưng nó đi kèm nhiều rủi ro.
“Những MXH hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán theo mô hình này đều của nước ngoài, bao gồm Facebook, Youtube, TikTok. Rõ ràng, về phương diện cá nhân, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các MXH nước ngoài luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này còn lớn hơn nữa nếu xét trên phương diện quốc gia”- VECOM đánh giá.
Đánh giá về thị trường kinh doanh trên MXH, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương Mại Điện Tử FPT Polytechnic, không phủ nhận tiềm năng phát triển ở hình thức kinh doanh này. Bởi người bán có thể tận dụng nguồn khách hàng đồ sộ, nhiều lứa tuổi, phân khúc từ chính những người dùng MXH, lại không tốn nhiều tiền vào việc thuê mặt bằng như kinh doanh truyền thống.
Song theo ông Huy, việc mua sắm trên nền tảng MXH sẽ khiến người dùng đối mặt với vấn đề hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, chế độ hậu mãi, xử lý các tranh chấp hàng hóa, thanh toán hoàn toàn phụ thuộc vào người mua và người bán, mà không có bên thứ 3 nào đứng ra đảm bảo. Điều này khác với mô hình kinh doanh trên sàn TMĐT.
“Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp hàng đăng bán một đằng, giao về một nẻo, hay chuyển khoản xong không nhận được hàng… Đó là những nguy cơ thường trực khi mua sắm thông qua mạng xã hội”- ông Huy chia sẻ.
Nhiều rủi ro khi kinh doanh trên MXH
Trên thực tế, Facebook, Youtube hay TikTok… đều thiếu cơ chế hậu mãi bởi nó đơn giản là MXH, tận dụng người dùng hiện có để làm khách hàng. Từ đó tạo cầu nối cho người mua và người bán gặp gỡ và thu phí thông qua các hoạt động marketing, hoặc có thể tính phí bán hàng (ở mô hình TikTok). Do đó quá trình mua sắm hoàn toàn thuộc về người mua và người bán mà không có sự tham gia hay cơ chế quản lí nào giống như đơn hình thức mua sắm trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Đơn cử với sự bùng nổ của MXH TikToK, mặc dù có thu phí hoa hồng mỗi sản phẩm và liên kết với đơn vị vận chuyển để giao hàng cho khách như các sàn TMĐT nhưng hoạt động kinh doanh trên nền tảng này đang gặp phải vô số lời phàn nàn của người bán lẫn người mua. Cụ thể là tỉ lệ hoàn trả đơn hàng cao, thiếu biện pháp xử lý tranh chấp giữa người bán lẫn người mua cũng như vấn nạn chất lượng sản phẩm- điều mà vẫn luôn xảy ra khi mua sắm trên nền tảng Facebook.
Thống kê từ Công ty cổ phần công nghệ UPBASE cho biết, hiện nay tỉ lệ hoàn đơn hàng ở một số thị trường TikTok Shop đang là 10%- 30%. Con số này khá cao so với mô hình kinh doanh của sàn TMĐT.
Nguyên nhân được đánh giá là do khách hàng khi mua hàng chủ yếu theo cảm xúc, tệp khách hàng thường là GEN Z, học sinh, sinh viên, khả năng kinh tế không cao. Ngoài ra, TikTok Shop chưa có những thuật toán để xử lý hoặc hủy các đơn hàng khách đặt bị trùng, thời gian xác nhận đơn hàng và giao hàng lâu khiến cho trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng trên nền tảng này bị giảm đi rất nhiều, so với các hình thức mua sắm trên nền tảng TMĐT. Thêm vào đó ứng dụng này chưa áp dụng hình thức thanh toán trả trước, làm tăng nguy cơ bùng hàng và trở thành nỗi lo của nhiều nhà bán trên nền tảng này.
Trong một nhóm chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trên TikTok, bạn Đào Tuấn cũng thừa nhận do tệp khách hàng là người trẻ, đa phần là học sinh do đó sản phẩm bán ra cũng phải rẻ, bán lấy thành tích, điều này cũng khiến người bán đối mặt với tình trạng hoàn đơn do khách từ chối nhận.
“Ngoài ra, các chính sách xét duyệt của TikTok cũng khá khó khăn đối với sản phẩm có tên thương hiệu lớn. Tuy nhiên vì mình bán đồ ăn nên nhiều khi bao bì sản phẩm có dính thương hiệu, cũng khó được xét duyệt”- Tuấn nói.
Trong khi đó, nhiều người mua phải cảm thán rằng, với việc mua bán trên MXH như là một cách cai nghiện mua sắm online.
Ông Nguyễn Huy Hoàng cũng cho biết, đã có những shop (cửa hàng) trên TikTok bán ra 500 sản phẩm một ngày, nhưng có tới 300 sản phẩm bị hoàn trả. Do đó, đối với hình thức mua sắm mới trên TikTok, theo ông Hoàng, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa quá thu hút người bán lẻ, mà thường chỉ dành cho các nhãn hàng muốn làm thương hiệu.