Nỗi buồn IP Việt

Đối với đại đa số người dùng máy tính, IP chẳng là cái chi chi, thậm chí chẳng biết gì. Họ chỉ cần dùng nhất dương chỉ nhấn công tắc, đèn LED chớp chớp mắt e lệ chào mừng rồi máy tính chạy ro ro và vào Internet ào ào. Tới một ngày nào đó, họ bị từ chối truy cập vào một trang web nào đó với lý do chủ nhân không chấp nhận cái IP của họ, chừng đó mới chưng hửng ra.

Những kẻ bị từ chối

Nếu như GPS giúp xác định vị trí thiết bị đang ở đâu trên bản đồ thế giới, địa chỉ IP cũng giúp tìm ra thiết bị đó đang kết nối với mạng Internet ở đâu. Bạn nào ghiền phim hình sự Hollywood hay theo dõi các series phim truyền hình về các đội điều tra hiện trường CSI (Crime Scene Investigation) phát hầu như hằng ngày trên kênh truyền hình cáp AXN chắc rành “sáu câu vọng cổ” với sự lợi hại của cái địa chỉ IP này.

Cũng giống như số điện thoại có mã quốc gia, mã vùng, địa chỉ IP cũng bao gồm cả mã quốc gia. Rắc rồi đến từ đây.

Cách đây ít năm, nhiều người Việt sang Malaysia có quẹt thẻ tín dụng (credit card) để thanh toán tiền mua sắm hàng hóa, dịch vụ, khi trở về nước đã được ngân hàng cấp thẻ phải mời tới để đổi thẻ mới. Lý do hồi đó Malaysia nổi tiếng là nơi lộng hành của bọn ăn cắp thông tin thẻ tín dụng.

Tôi đã cười người hôm trước để ngay sáng hôm sau bị người khác cười lại, mà còn cười bò lê bò càng nữa mới xấu hổ ông bà chớ. Đi ra nước ngoài mà ngay cả một số nước láng giềng thôi, có những nơi chê thẻ tín dụng do ngân hàng ở Việt Nam cấp. Thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên Internet cũng bị khước từ khi thấy IP xuất xứ Việt Nam. Một số cửa hàng online nổi tiếng của Mỹ không cho máy tính có IP Việt Nam truy cập vào các trang dịch vụ của họ. Một số người bạn của tôi định cư ở Mỹ về Việt Nam quẹt thẻ đã bị ngân hàng phát hành yêu cầu đổi thẻ khác khi họ trở lại Mỹ. Có lần thẻ tín dụng của tôi do ngân hàng Việt Nam phát hành không được một dịch vụ online ở Mỹ chấp nhận, người bạn Việt kiều đã cung cấp số thẻ của mình cho tôi nhập vào thanh toán. Mọi việc hoàn tất trong ba nốt nhạc. Dè đâu ngay sau đó, người bạn nhận được e-mail của ngân hàng báo tin rằng: “Tụi tao hồ nghi thẻ tín dụng của mày bị ăn cắp rồi. Có kẻ ở Việt Nam dùng nó để thanh toán dịch vụ đó”. Sau khi xác nhận vụ thanh toán đó là hợp pháp, người bạn cũng chưa yên thân, mấy ngày sau thấy trong thùng thư trước nhà có lá thư của ngân hàng đó gửi thông báo tương tự và yêu cầu phải xác thực giấy trắng mực đen. Bạn Việt kiều thì phiền hà, còn tôi thì nhục cứ muốn như con cù lần giấu mặt.

Các IP từ Việt Nam đang bị từ chối vì bị vạ lây từ tội phạm mạng trong nước. Ảnh: INTERNET

Vạ lây vì tội phạm mạng

Trước đây thế giới ngán nhất là các tay tin tặc, tội phạm tin học Nga, Trung Quốc, Israel, một số nước Đông Âu,... Nay thì họ phải khiếp đảm vì những tên tội phạm người Việt. Mà không đáng sợ sao được khi hồi tháng 7-2015, Ngô Minh Hiếu đã bị tòa án Mỹ xử phạt 13 năm tù do hắn ngồi ở Việt Nam mà có thể đột nhập và đánh cắp thông tin cá nhân của gần 200 triệu người Mỹ (tức gần 2/3 số dân Mỹ) để đem bán.

Như vậy thì làm sao mà IP Việt Nam không bị đưa vào sổ bìa đen trong thanh toán điện tử quốc tế cho được. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn tới hội nhập quốc tế và thương mại điện tử của Việt Nam.

Để chữa cháy, lâu nay người ta phải dùng phần mềm giấu IP thật để dùng một IP giả nào đó của nước ngoài, như IP của Mỹ để có thể truy cập vào những dịch vụ, cửa hàng online nước ngoài. Nhưng chủ yếu cũng chỉ để tham khảo, ngắm nghía hàng hóa rồi nhờ người nhà, bạn bè bên Mỹ mua giùm và chuyển về Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội làm ăn cho nhiều người trẻ nhạy bén. Hiện có vô số dịch vụ giúp người ở Việt Nam mua hàng ở Mỹ và chuyển (ship) về Việt Nam. Chi phí cũng không phải là quá đắt. Những người thật sự có nhu cầu thì phải chấp nhận, miễn là mua được hàng nhưng thiệt thòi dữ lắm. Còn chuyện vĩ mô và lâu dài thì chẳng biết phải làm sao đây. Phải chăng Nhà nước phải lập hẳn một cơ quan hợp tác với nước ngoài để xác thực các giao dịch chính chủ từ IP Việt Nam? Mà như vậy thì còn gì là chuyện riêng tư, bí mật giao dịch nữa chứ. Quả là một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa!

IP viết tắt từ Internet Protocol (giao thức Internet). Nói cho đầy đủ là địa chỉ IP. Đó là một chuỗi số định danh được gán cho mỗi thiết bị kết nối trong một mạng máy tính dùng IP làm phương thức liên lạc với nhau. IP có hai chức năng chính: Định danh thiết bị và địa chỉ hoạt động. Nói nôm na IP vừa như một số căn cước, vừa là địa chỉ của thiết bị.
Trở về trang chủ

Đọc thêm