Huawei ICT Competition 2022-2023 được tổ chức lần thứ bảy ghi nhận quy mô tổ chức lớn nhất từ trước nay. Các sinh viên phải trải qua nhiều vòng thi gay cấn cấp quốc gia và khu vực, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để tiến vào vòng Chung kết toàn cầu.
Hàng ngàn sinh viên của các trường đại học ở 74 quốc gia tham gia Huawei ICT Competition 2022-2023. |
Đội Việt Nam gồm 3 sinh viên: Nguyễn Quốc Hùng (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT), Trần Đức Lâm và Vũ Quang Hải (Đại học FPT); cùng sự dẫn dắt bởi TS. Trần Tiến Công (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT) thi đấu tại vòng Chung kết toàn cầu. Vượt qua nhiều ứng viên tài năng đến từ các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo ICT trên thế giới, đội Việt Nam đã giành giải Ba ở hạng mục Cloud.
Trước đó, đội đã vượt qua hơn 120.000 sinh viên đến từ hơn 2.000 trường đại học ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để giành được tấm vé tiến vào vòng thi cuối cùng.
Tham dự tại vòng chung kết và lễ trao giải có ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và ông Vũ Kiêm Văn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA.
Chia sẻ sau sự kiện, ông Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao về chất lượng và giá trị mà cuộc thi mang lại cho các tài năng trẻ. Ông chia sẻ: “Huawei ICT Competition là một sân chơi thiết thực và bổ ích nhằm tìm ra và tôn vinh những tài năng ICT trẻ, đồng thời giúp họ kết nối với các doanh nghiệp thông qua chương trình cầu nối tài năng của Huawei (ICT Talent Bridge). Hy vọng trong những năm tiếp theo, cuộc thi sẽ được tổ chức mạnh mẽ tại Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho các học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận và trau dồi kiến thức về ICT”.
Ông Vũ Kiêm Văn cũng ấn tượng với những thành tích của các sinh viên Việt Nam. Ông chia sẻ: “Cuộc thi Huawei ICT sau 7 năm tổ chức đã tạo dựng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều trường đại học, học viện đào tạo về ICT cử sinh viên tham gia. Cuộc thi này đã tạo ra môi trường kết nối toàn cầu để chúng tôi phát hiện ra các tài năng công nghệ trẻ Việt Nam”.
Việt Nam đã xuất sắc giành giải Ba sau khi tranh tài với 146 đội đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
TS. Trần Tiến Công, Giảng viên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cũng bày tỏ niềm tự hào về các sinh viên chiến thắng và mong muốn Huawei triển khai nhiều hoạt động đào tạo tương tự hơn nữa. Ông nhấn mạnh: “Cuộc thi là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực ICT, tập trung vào các công nghệ trụ cột định hướng tương lai thế giới. Sân chơi cổ vũ các tài năng trẻ và thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, góp phần bù đắp nhân lực cho kỷ nguyên 4.0".
TS. Trần Tiến Công cũng đặt kỳ vọng: "Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) kỳ vọng sẽ cùng Huawei phát triển nguồn nhân tài số tại Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp với sinh viên, đồng tổ chức các cuộc thi và chương trình đào tạo, tham gia các hoạt động hỗ trợ giáo dục tại học viện nói riêng và cả nước nói chung"
Cuộc thi thường niên Huawei ICT Competition được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, nhằm kiến tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh và giao lưu quốc tế cho sinh viên đại học và cao đẳng trên toàn thế giới, cũng như nâng cao kiến thức công nghệ thông tin và khả năng thực hành cho sinh viên. Cuộc thi là dự án trọng điểm trong sáng kiến Hạt giống cho Tương lai 2.0 của Huawei, đến nay đã thu hút hơn 580.000 sinh viên từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Tính đến cuối năm 2022, học viện Huawei ICT Academy cũng hợp tác với 2.200 trường đại học giúp đào tạo hơn 200.000 sinh viên mỗi năm.