Thị trường nhà thông minh đầy tiềm năng
Các ứng dụng của IoT (Internet of Things) rất đa dạng và bao gồm nhiều lĩnh vực như nhà thông minh (smarthome), y tế thông minh, công nghiệp 4.0, năng lượng thông minh… Trong đó chỉ tính riêng tiềm năng của thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đã khoảng 275 triệu USD (2023), dự kiến đến năm 2028 sẽ hơn 500 triệu USD.
Chia sẻ với PLO, ông Phạm Lê Ngọc Châu, Giám đốc kinh doanh MediaTek Việt Nam cho biết, thị trường nhà thông minh tại Việt Nam tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên thời gian gần đây đang có dấu hiệu chững lại do sự trầm lắng của thị trường bất động sản.
Dù tăng trưởng nhưng thị trường nhà thông minh vẫn đang gặp một số thách thức liên quan đến tính tương thích.
“Nói cho dễ hiểu, ví dụ nếu nhà bạn cài đặt 3 camera của ba hãng khác nhau thì phải sử dụng đến 3 ứng dụng để quản lý. Nếu các hãng sản xuất thiết bị nhà thông minh theo một chuẩn chung, ví dụ như chuẩn Matter thì người dùng sẽ dễ dàng quản lý hơn. Về mặt hiệu năng, thiết bị cũng sẽ được nâng cao hơn, nhanh hơn và thân thiện hơn,” ông Châu chia sẻ.
Chuẩn Matter là gì?
Chuẩn Matter là một tiêu chuẩn mở trong lĩnh vực nhà thông minh, được phát triển bởi một liên minh gồm nhiều công ty lớn như Apple, Google, Amazon, Zigbee Alliance…
Mục tiêu của Matter là tạo ra một tiêu chuẩn đồng nhất để kết nối các thiết bị nhà thông minh, giúp chúng hoạt động tương thích với nhau dễ dàng hơn. Đồng thời cho phép người dùng dễ dàng quản lý, điều khiển nhiều thiết bị nhà thông minh thông qua một giao diện chung.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nhà thông minh là WiFi 6. Theo ông Châu, hiện tại WiFi 6 đã được các doanh nghiệp Việt triển khai, và chỉ trong vòng một thời gian ngắn, người dùng sẽ được trải nghiệm nhiều nội dung phong phú hơn như AI, 3D…
Để phát huy tối đa tiềm năng của thị trường IoT, các doanh nghiệp cần đi cùng nhau.
“Việc kết hợp là cần thiết bởi không ai có thể làm mọi thứ trong IoT. Ví dụ như MediaTek sẽ làm chipset rồi các công ty khác sẽ làm ra các module, các công ty khác sẽ mua các module để làm ra thiết bị, rồi thiết bị phải tích hợp vào nền tảng và phân phối ra thị trường…
Có nghĩa là để làm được một ứng dụng IoT thì nó sẽ phải sử dụng nhiều dịch vụ và nhiều sản phẩm của các đơn vị khác nhau, do đó việc kết hợp giữa các doanh nghiệp là điều cần thiết”, ông Châu nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cần làm gì để tham gia vào lĩnh vực bán dẫn?
Hiện tại Viettel, FPT cũng đã tự thiết kế chip tuy nhiên phần sản xuất vẫn phải thông qua các công ty gia công của bên thứ ba (TSMC, SMIC...).
“Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế chip, tuy nhiên, những kỹ sư này thường nằm trong mảng thiết kế tương tự (Analog IC design) hơn là thiết kế số (Digital IC design), đó là lý do vì sao chính phủ đang muốn đào tạo nhân lực thiết kế chip từ 5.000 người lên 50.000 người vào năm 2030. Các doanh nghiệp có thể tham gia vào khâu packaging (đóng gói), tuy nhiên khi có đủ nhân lực chúng ta mới có thể đẩy mạnh ngành bán dẫn,” ông Châu chia sẻ.