Nếu được nói về phiên bản ưa thích nhất (riêng về HDH Windows), thì tôi có thể khẳng định đó là Windows 7. Tôi cài đặt windows 7 lên chiếc PC cũ ngay từ khi nó được Microsoft giới thiệu và phát hành, sau đó tiếp tục sử dụng ngay cả khi phiên bản Windows 8 và 8.1 đã ra mắt một thời gian dài. Tôi có cài thử phiên bản 8 (kể cả 8.1) lên laptop của mình, nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi chợt nhật ra rằng, có lẽ Microsoft đã tạo ra một nền tảng hoàn toàn không phù hợp để sử dụng trên những thiết bị dùng bàn phím và chuột. Thế là tôi lại quay về phiên bản Windows ưa thích của mình, cho đến khi, Windows 10 bắt đầu xuất hiện trong những câu chuyện của đám bạn thân.
Thông tin và trải nghiệm phiên bản Windows mới nhất này vốn đã xuất hiện trên các forum và diễn đàn công nghệ một thời gian dài, với những phản hồi hầu hết là "mượt mà,nhanh chóng" và "phù hợp với nhiều nền tảng, bao gồm cả PC, laptop và thiết bị di động", tôi đã bắt đầu có một sự "dao động" nhẹ. "Có nên cài thử hay không nhỉ?" là câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu tôi, bởi vì tôi chỉ có độc nhất một chiếc laptop yêu quý để làm việc, nếu chấp nhận thử nghiệm phiên bản này, "thành công" thì không nói, nhưng lỡ nó lại đi vào "vết xe đổ" của Windows 8/8.1 thì sao? Tôi hoàn toàn không muốn rơi vào một hoàn cảnh như vậy.
"Tui nghe nói Windows 10 nhanh lắm, các bạn có xài thử chưa?" - Tôi nhớ, đã từng nghe một đứa trong nhóm nói vậy. Và điều này đã kích thích trí tò mò của tôi cực kì kinh khủng (và đến bây giờ tôi vẫn không thể nào diễn tả nổi sự tò mò và háo hức của bản thân lúc đó).
Nhóm bạn của tôi không phải con "mọt máy tính" gì cho cam, chỉ toàn là sinh viên bình thường thôi, tất nhiên khái niệm "nhanh" của bọn hắn cũng rất khác "nhanh" của tôi, đơn giản với chúng nó, "nhanh" là: bật tắt máy nhanh, bật Chrome sau đó vào Facebook cái "vèo" mà không cần phải chờ đợi, hay, bật Windows Explorer sau đó xem một bộ film ưa thích mà không phải lo lắng về cửa sổ "Not Responding"... bất chợt xuất hiện. Còn đối với tôi, "nhanh" phải là tốc độ khởi động ứng dụng, "check" đọc mail ngay khi máy khởi động xong, ngoài ra còn mấy thứ "lặt vặt" khác nữa, nên có thể nói, yêu cầu về cái sự "nhanh" của tôi nó cầu kì và khắc khe hơn nhiều.
Chính vì thế, khi câu chuyện "nhanh" bắt đầu được nói đến trong những buổi cafe, tôi đã có một quyết định quan trọng, đó là chấp nhận nâng cấp lên phiên bản Windows 10 mới nhất.
Và tôi đã không phải thất vọng!
Không Startscreen, Action Center, Quick Action
Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi nâng cấp lên phiên bản mới nhất này chính là tốc độ khởi động và vào màn hình Desktop cực kì nhanh chóng. Thật ra tốc độ khởi động vốn đã được cải thiện đáng kể từ phiên bản 8/8.1, nhưng ngay sau khi khởi động xong, tôi lại "vướng" phải một "chức năng" của phiên bản này, đó là mành hình Startscreen. Đây có thể là một chức năng đáng giá đối với những thiết bị hybrid (laptop lai máy tính bảng), nhưng tôi lại không hề sở hữu những thiết bị như thế, tôi chỉ có 1 chiếc laptop thôi. Thế nên mỗi một lần khởi động xong lại là một lần nhìn thấy màn hình "khởi động" thứ hai, đó chính là một trong những lí do chính khiến tôi thấy trải nghiệm của tôi với nền tảng này của MS bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Windows 10 đã khắc phục hoàn toàn nhược điểm đó và phần nào khiến tôi cảm thấy quen thuộc hơn, giống với phiên bản tuyệt vời Windows 7 hơn.
Nhưng chưa hết, điều tuyệt vời tiếp theo, chính là thanh thông báo Action Center. Tại đây tôi có xem lại những tin nhắn, những email hay những thông báo mà tôi đã bỏ lỡ ở lần tắt máy trước, đồng thời nhận những thông báo mới, cũng ngay tại đây. Chính việc "gom về một chỗ" như vậy, đã khiến tốc độ sử dụng của tôi tăng nhanh hơn đáng kế (nếu không muốn nói là còn nhanh hơn cả khi sử dụng phiên bản Windows 7). Đi kèm đó là Quick Action, những nút bật/tắt nhanh theo đúng nghĩa đen của tên gọi, là một điểm nữa mà tôi yêu thích ở bản này. Thay vì phải lục tung một đống thư mục và hộp thoại để tắt Wifi, thì nay, chỉ với một cú "click" chuột đơn giản, a-lê-hấp, Wifi đã được tắt trong chớp mắt. Không những vậy, việc cho phép "custom-tuỳ chỉnh" khu vực này, giúp tôi có thể thực hiện những thao tác quen thuộc (vốn mất kha khá thời gian nếu thực hiện theo cách thông thường) chỉ bằng một thao tác nhấn, đã khiến cho khoảng cách giữa tôi và... Windows 7 ngày càng xa hơn.
Mở ra kỷ nguyên mới cho những người làm việc cá nhân: Universal App, Snap Assits
Trước đây, khi muốn check mail hay lướt Facebook, thì tôi thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc bật trình duyệt lên và... làm theo cách mà ai-cũng-làm (đó là bật những trang web tương ứng với từng chức năng). Với Universal App, Windows 10 đã mang đến trải nghiệm tuyệt vời với những ứng dụng vốn chỉ xuất hiện trên những thiết bị và nền tảng di động.
Những ứng dụng universal đi kèm với windows như Office, Calender, Mail, Groove Music, OneNote..., hay những ứng dụng bên thứ 3 như Dropbox, Flipboard, Facebook,... đã "hô biến" phiên bản Windows 10 này thành một cỗ máy thật sự, tạo sự xuyên suốt trong cả quá trình làm việc từ PC cho đến Smartphone. Thật tuyệt vời khi có thể soạn thảo một đoạn văn bản trên PC, sau đó kiểm tra lại trên chiếc Lumia của mình khi đã nằm yên vị trên giường bằng ứng dụng Microsoft Word (tuyệt vời phải không nào).
Ngoài ra phải kể đến chức năng Snap Assits mới, với khả năng chia đôi-nhưng-không-hẳn-là-chia-đôi màn hình cho 2 ứng dụng khác nhau. Tôi gọi với cái tên khá dài như trên, là bởi vì bạn hoàn toàn có thể tuỳ chỉnh bề rộng của 2 ứng dụng đã được "ghim" trên màn hình tuỳ thích và phù hợp nhất với bạn. Tôi cực kì yêu thích chức năng này, đơn giản là vì nó giúp tôi có thể dùng một nửa màn hình để bật ứng dụng soạn thảo, màn hình còn lại là bài báo cáo bằng tiếng Anh, và nhanh chóng dịch thuật mà không phải "hành hạ" nút "Alt+Tab" như hồi xưa nữa. Chính vì không giới hạn những ứng dụng có thể sử dụng kèm với chức năng này (cửa sổ, universal app, ứng dụng bình thường...), nên chức này đúng là một "viên kim cương" trên những thiết bị có màn hình lớn.
Một tuỳ chỉnh nhỏ của Snap Assits là Snap 2x2, cho phép bạn có thể điểu chỉnh nhanh kích thước của các cửa sổ ứng dụng khớp với các khu vực chia nhỏ trên màn hình làm việc hiện tại (4x4 tương ứng với 4 ô vuông trên màn hình), tuy không mạnh mẽ như Snap Assits, nhưng đây vẫn là bổ sung đáng giá cho bất kì ai có sở thích mở nhiều cửa sổ làm việc trên một màn hình.
Edge Browser, nâng cấp đáng giá của IE
Tôi phải công nhận trình duyệt IE (Internet Explorer) đã phần nào đỏ trở nên lạc hậu, và cần được thay thế bởi những phiên bản khác hiện đại hơn, có thể cạnh tranh với những ông lớn đang chiếm lĩnh thị trường trình duyệt cả trên PC/Mobile. Edge Browser là câu trả lời thích hợp nhất cho câu hỏi của tôi.
Trước đây, tôi thường dùng IE để... tải một trình duyệt của bên thứ 3 (không hẳn vì IE không tốt, mà vì cái kia nó... tốt hơn). Và đó cũng là lần cuối tôi sử dụng ứng dụng duyệt web này. Nhưng Edge thì khác, tôi cảm nhận được sự mượt mà và nét hiện đại trong thiết kế của ứng dụng này. Thực tế đã chứng minh rằng Edge hoàn toàn có chỗ đứng trong cuộc chơi này, và có phần vượt trội hơn một số đối thủ khác. Tôi không quan tâm đến các thuật toán so sánh giữa các trình duyệt với nhau, tôi chỉ đơn giản bật một trình duyệt lên, nếu nó vào Facebook hoặc Gmail nhanh chóng là tôi hài lòng rồi. Edge đáp ứng được những nhu cầu sử dụng hàng ngày của tôi, không lẽ nào tôi lại mất công... kiếm một kẻ thay thế khác!
Và hàng loạt cải tiến đáng giá, cả về hiệu năng lẫn... hiệu ứng
Windows 10 rất đẹp! Thật sự đây là một trong những nền tảng mà tôi đánh giá có sự đầu tư nhất về mặt thiết kế (dù cũng không có quá nhiều nền tảng). Ngay cả khi so sánh với những đàn anh cũ hơn, Windows 10 chắc chắn cũng không hề kém cạnh, và có phần hiện đại hơn rất nhiều. Những màu sắc được tuỳ chỉnh lại để bớt "rực" hơn, đồng thời kích thước của các icon và cửa sổ cũng được tuỳ chỉnh lại sao cho phù hợp nhất, ngay cả với người dùng PC/Laptop như tôi đây. Thật khó để kiếm được điều gì chê trách ở phiên bản này, nếu có, thì tôi lại thích các hình nền của Windows 7 và Windows 8/8.1 hơn, nhưng đó chỉ là quan điểm cá nhân mà thôi.
Ngoài hiệu ứng, hiệu năng chính là lý do chính khiến tôi quyết định sử dụng phiên bản Windows 10 này, cho đến tận lúc viết bài này. Mọi thao tác thực hiện và tốc độ xử lí có lúc, làm tôi ngỡ rằng mình đang sử dụng Windows 7 vậy! Laptop của tôi không hề có một cấu hình "khủng long", Ram 4GB, VXL Core i5, Card Nvidia 840M, chính vì vậy, việc có một trải nghiệm mượt mà đã xoá bỏ hoàn toàn ý định "quay về Windows 7" trong tâm trí của tôi.
Vẫn sẽ tin tưởng vào Microsoft
Chắc chắn nền tảng Windows 10 là hướng đi chính xác nhất của gà khổng lồ này vào thời điểm hiện tại. Có rất nhiều sự nghi ngờ về sự thành công của phiên bản Windows 10 này sau thất bại cay đắng của MS ở phiên bản Windows 8/8.1. Nhưng chính những ưu điểm tuyệt vời của Windows 10 đã khiến cho bất cứ ai đã từng nghi ngại (có cả tôi) phải thay đổi suy nghĩcủa họ.
"Windows 10 nhanh lắm, mọi người xài thử xem", tôi sẽ trả lời như vậy, nếu như có bất kì ai đang thắc mắc về việc nâng cấp Hệ điều hành của họ.