TSMC là một trong những công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Với tình trạng thiếu hụt chip như hiện nay, công ty đang tính đến phương án bổ sung năng lực sản suất để có thể cung cấp đủ chipset cho khách hàng, đơn cử như Apple, Qualcomm, MediaTek…
Theo WSJ, TSMC vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc xây dựng nhà máy mới, hiện công ty đang đàm phán với Ban Phát triển Kinh tế của Singapore.
TSMC và Samsung là hai xưởng đúc lớn nhất thế giới, nơi các nhà sản xuất gửi thiết kế để họ chế tạo chip. Ví dụ, Apple thiết kế SoC A-series và M-series, sau đó chuyển việc sản xuất các thành phần cho TSMC.
Hiện tại cả TSMC và Samsung đều đã bắt đầu sản xuất chip theo quy trình 3 nm để kịp đưa chúng vào các sản phẩm tiêu dùng trong năm tới. Kích thước càng nhỏ đồng nghĩa với việc số lượng bóng bán dẫn trên chip sẽ nhiều hơn, điều này rất quan trọng vì bóng bán dẫn nhiều thì chip càng mạnh và tiết kiệm năng lượng.
Ví dụ, chip A13 Bionic trên iPhone 11 series được TSMC chế tạo theo quy trình 7 nm, chứa 8,5 tỉ bóng bán dẫn. Trong khi đó, con chip A15 Bionic trên iPhone 13 series có kích thước 5 nm, chứa đến 15 tỉ bóng bán dẫn, giúp thiết bị hoạt động mạnh mẽ và tiết kiệm năng lượng hơn.
Nhà máy chip ở Arizona (hiện đang bị trì hoãn) dự kiến sẽ sản xuất chip 5 nm vào năm 2024. Trong khi nhà máy ở Singapore sẽ sản xuất chip 7 nm đến 28 nm, được sử dụng trên smartphone, ô tô và các thiết bị khác.
Vào tháng 2-2022, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 4 thế giới, United Microelectronics (Đài Loan) cho biết sẽ chi 5 tỉ USD để mở rộng việc sản xuất tại Singapore.
Quốc gia này hiện đang được rất nhiều công ty công nghệ đặt văn phòng, xây dựng cơ sở sản xuất... đơn cử như nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ, Infineon Technologies của Đức và Global Foundries.