Bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức giữ chức giám đốc Facebook Việt Nam từ tháng 3-2018, công việc chính là hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau gần chưa đầy một năm, bà quyết định rời vị trí giám đốc Facebook Việt Nam vào cuối năm nay vì không thu xếp được công việc gia đình.
Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ thêm về khoảng thời gian ở Facebook: “Đó là một chặng đường vô cùng thú vị, được học hỏi, được xây dựng và dẫn dắt bộ phận kinh doanh của Facebook tại Việt Nam. Mình tin Facebook đã, đang và sẽ giúp mọi người xây dựng cộng đồng và kéo thế giới lại gần hơn”.
Trong thời gian tới, bà dự định sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và một vài ý tưởng mới.
Trước khi về Facebook, bà Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng đã thành lập công ty chuyên sản xuất các thiết bị đeo thông minh, theo dõi sức khỏe, luyện tập thể thao - Misfit Wearables (startup này nhận được khá nhiều vốn đầu tư từ John Sculley, cựu CEO của Apple và tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành). Tuy nhiên, không lâu sau thương hiệu này đã được Fossil Group mua lại vào năm 2015.
Việc bà Kiều Trang rời khỏi Facebook trùng với thời điểm nhiều nhân sự quan trọng tại công ty nghỉ việc. Facebook đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía người dùng vì làm rò rỉ dữ liệu, sử dụng các công ty truyền thông bẩn để xử lý sự cố…
Vào tháng 4-2018, Jan Koum, nhà đồng sáng lập WhatsApp - ứng dụng nhắn tin được Facebook mua lại với giá 19 tỉ USD, cũng đã rời khỏi Facebook. Trong khi đó, Brian Acton, đồng sáng lập khác của WhatsApp lại kêu gọi cộng đồng “xóa Facebook”.
Theo tờ New York Times, việc Công ty phân tích Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu người dùng bất hợp pháp đã khiến Facebook đối mặt với hàng loạt sức ép. Cũng chính vì những bất đồng nội bộ trong cách xử lý bê bối, Alex Stamos, Giám đốc an ninh thông tin của Facebook, đã xin nghỉ việc hồi tháng 8-2018.
Không lâu sau, hai đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger cũng đã chính thức rời khỏi Instagram. Ứng dụng này được Facebook mua lại vào năm 2012 với giá 1 tỉ USD. Lý do được đưa ra là vì những bất đồng về định hướng phát triển và vì Facebook can thiệp quá nhiều vào nội bộ Instagram.
Ngoài ra, còn rất nhiều nhân viên Facebook nghỉ việc vì lý do phân biệt đối xử. Cụ thể, Mark Luckie, một nhà quản lý da màu, cho biết công ty thường xuyên làm ngơ và đối xử bất công với những người da màu. Một số người thường xuyên bị cấp trên kìm hãm và chèn ép mặc dù Facebook luôn nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng.
Tương tự, nhiều kỹ sư của Facebook cũng yêu cầu được chuyển sang làm việc cho Instagram hoặc WhatsApp. Thậm chí, nhà thiết kế sản phẩm Facebook Westin Lohne đã đăng tải trên Twitter về lý do nghỉ việc vì liên quan tới vấn đề đạo đức. “Về mặt đạo đức, rất khó để tôi có thể tiếp tục làm việc ở đó với vai trò một nhà thiết kế sản phẩm” - ông viết.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.