Trước đó, toàn bộ hạ tầng truyền dẫn trong nước (nhà trạm, hệ thống cáp quang, các thiết bị,…) đã được hoàn tất để sẵn sàng đấu nối dung lượng tuyến cáp biển AAE-1 vào mạng lưới của Viettel.
Trước đó, thông cáo báo chí ngày 27-6-2017 của HĐQT Dự án cáp biển AAE-1 cũng xác nhận hệ thống cáp quang biển AAE-1 đã chính thức hoàn thành việc xây dựng và sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ.
AAE-1 là hệ thống cáp biển đầu tiên kết nối tất cả các khu vực Cchâu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu với độ trễ kết nối thấp nhất giữa các khu vực này. AAE-1 được kết nối tại các trung tâm dữ liệu (Data Center) lớn nhất thế giới như tại Hong Kong (Telecom House), Singapore (Equinix và Global Switch), Pháp (Interxion Marseille - MRS1 và MRS2).
Sơ đồ hệ thống cáp biển AAE-1.
Với chiều dài 23,000 km và có các điểm rẽ nhánh, hệ thống cập bờ tại Hong Kong, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ, Oman, UAE, Qatar, Yemen, Arab Saudi, Djibouti, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Pháp. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 820 triệu USD với sự tham gia đầu tư của 19 đối tác tại 19 quốc gia bao gồm: China Unicom, PCCW Global, Viettel Group, VNPT, Metfone, CIL, TOT, GT5L, PTCL, Reliance Jio, Omantel, Ooredoo, Etisalat, Tele Yemen, Mobily, Djibouti Telecom, Telecom Egypt, Oteglobe, Retelit.
AAE-1 sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao DWDM (100 G/bước sóng) với dung lượng thiết kế ít nhất là 40 Tbps (tương đương 80 bước sóng 100 G) và có thể nâng cấp lên các công nghệ ghép bước sóng mới nhất trong tương lai.
AAE-1 là hệ thống cáp biển thứ tư do Viettel tham gia đầu tư xây dựng, bao gồm AAG, IA, APG, AAE-1. Tổng mức đầu tư của Viettel vào dự án AAE-1 là 50 triệu USD và Viettel là đối tác duy nhất chủ trì trạm cập bờ tuyến cáp AAE-1 tại Việt Nam (dung lượng Viettel sở hữu là 2.5 Tbps).
Dự án AAE-1 đưa vào khai thác đã góp phần đáp ứng nhu cầu dung lượng truyền dẫn quốc tế đang tăng mạnh của Viettel hiện nay và trong những năm tới, đồng thời nâng cao năng lực, độ an toàn, tăng khả năng dự phòng khi xảy ra sự cố cho mạng truyền dẫn quốc tế của Viettel (chia tải cho các hệ thống cáp biển khác mà Viettel đang sở hữu như AAG, IA, APG). Do đó sẽ tránh tình trạng cô lập thông tin của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Mặt khác, hệ thống cáp quang biển AAE-1 sẽ góp phần phát triển mạng lưới viễn thông quốc tế của Việt Nam, từ đó phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.