1. Ứng dụng hỗ trợ báo cáo những vụ bạo hành, xâm phạm trẻ em
Theo thông tin từ Cục Trẻ em, trong vòng 15 năm qua đã có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, mua bán, bạo hành được hỗ trợ. Đa số những cuộc gọi báo cáo đều xuất phát từ các tỉnh miền Bắc, trong đó cao nhất là đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Với mong muốn giảm bớt tình trạng trẻ em bị bạo hành, Cục Trẻ em, Microsoft Việt Nam và childFund đã chính thức ra mắt ứng dụng Tổng đài 111 trên nền tảng Android và iOS, cho phép người dùng báo cáo nhanh các trường hợp nghi ngờ trẻ bị bạo hành, xâm phạm, từ đó giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt ứng dụng Tổng đài 111 cho smartphone tại đây (Android) hoặc tại đây (iOS).
Giao diện của ứng dụng Tổng đài 111 khá đơn giản, để báo cáo các trường hợp nghi ngờ bạo hành, xâm hại trẻ em, người dùng chỉ cần bấm vào nút Báo cáo ngay, điền đầy đủ thông tin người báo cáo (họ tên, số điện thoại, vị trí…).
Báo cáo nhanh các trường hợp nghi ngờ bạo hành, xâm hại trẻ em. Ảnh: MINH HOÀNG |
Ở phần Thông tin báo cáo, bạn có thể gửi kèm hình ảnh trẻ nghi ngờ bị bạo hành, xâm phạm… Lưu ý, để cơ quan chức năng xử lý dễ dàng hơn, người dùng nên thêm đầy đủ các thông tin của trẻ, bao gồm giới tính, tuổi, địa chỉ và thông tin của người bạo hành thông qua các nút chức năng tương ứng.
Gửi thông tin chi tiết và hình ảnh của trẻ (nếu có). Ảnh: MINH HOÀNG |
Bên cạnh đó, ứng dụng Tổng đài 111 còn cung cấp thêm một số kĩ năng an toàn, giáo dục giới tính… thông qua menu ở góc trên bên trái. Trong trường hợp gặp sự cố cấp bách, bạn có thể liên lạc với các đầu số tổng đài 111, 113, 115 hoặc những trang web bảo vệ quyền lợi cho trẻ em để họ có hướng xử lý kịp thời.
2. Ứng dụng giúp báo cáo các sự cố điện, nước, cây xanh
Với mong muốn tăng tính tương tác giữa người dân và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng, vào tháng 2-2015, Sở TT&TT TP.HCM đã đưa vào vận hành tổng đài 1022, cho phép người dân báo cáo nhanh các sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông, chiếu sáng, điện lực, viễn thông...
Không lâu sau, Trung tâm CNTT-TT TP.HCM (thuộc Sở TT&TT) đã bổ sung thêm ứng dụng Tổng đài 1022 trên cả hai nền tảng Android và iOS, bên cạnh những phương thức báo cáo thông thường như nhắn tin, gọi điện, gửi email.
Bạn đọc quan tâm có thể cài đặt ứng dụng Tổng đài 1022 cho smartphone tại đây (Android) hoặc tại đây (iOS).
Ứng dụng cho phép người dân gửi báo cáo, phản ánh. Ảnh: MINH HOÀNG |
Giao diện của ứng dụng khá đơn giản chỉ với vài nút chức năng chính, bao gồm Góp ý/phản ánh, Gọi điện, Tra cứu, Thống kê…
Để báo cáo một sự cố bất kì, bạn chỉ cần chạm vào mục Góp ý/phản ánh, điền đầy đủ các thông tin cần thiết gồm họ tên, điện thoại, nội dung phản ánh và địa chỉ xảy ra cụ thể. Lưu ý, để cơ quan chức năng xử lý dễ dàng hơn, người dùng nên thêm trực tiếp hình ảnh trong phần báo cáo.
Ứng dụng hỗ trợ tiếp nhận các báo cáo liên quan đến Hạ tầng giao thông (sụt lún mặt đường, hố “tử thần”, ổ gà ổ voi, mất biển báo giao thông…); Cấp và thoát nước (bể ống nước, cống bị nghẹt, hố ga bị mất nắp…); Chiếu sáng (cột đèn bị gãy, rò rỉ điện, đèn không tắt…); Cây xanh (cây sắp gãy, cây bị xe đụng ngã…); Điện lực, viễn thông (đứt cáp viễn thông, lún hầm cống cáp…) và cuối cùng là Giao thông công cộng (phản ánh về thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt).
3. Ứng dụng giúp né đường kẹt xe và ngập nước
Hiện nay, tình trạng ùn ứ giao thông đang xuất hiện ở nhiều tuyến đường trong thành phố, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm, khiến không ít người cảm thấy khó chịu.
Để hạn chế vấn đề trên, bạn có thể cài đặt ứng dụng TTGT TP.HCM cho smartphone tại đây (iOS) hoặc tại đây (Android).
Cách theo dõi camera giám sát tại TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG |
Về cơ bản, ứng dụng cho phép người dùng kiểm tra nhanh tình trạng giao thông (ùn ứ), thời tiết (mưa, nắng, ngập nước) nhờ 685 camera quan sát trải dài khắp các tuyến đường ở TP.HCM. Từ đó kịp thời thay đổi lộ trình di chuyển cho phù hợp, tránh chạy vào con đường bị ngập nước và ùn ứ kéo dài.
Để kiểm tra tình trạng giao thông của những tuyến đường xung quanh, bạn hãy bấm vào mục Bản đồ.
Bạn có thể dễ dàng biết được đoạn đường nào đang kẹt xe, ngập nước. Ảnh: MINH HOÀNG |
Những đoạn đường nào được đánh dấu màu đỏ đồng nghĩa với việc mật độ xe cộ tại khu vực đó tương đối cao. Nếu muốn xem trực quan hơn, bạn có thể thể bấm vào mục Tình trạng, sau đó bật chế độ hiển thị camera và cảnh báo. Lúc này trên màn hình sẽ xuất hiện hình ảnh camera tại các giao lộ trong thành phố theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, ứng dụng còn hỗ trợ người dân tránh được các điểm đang thi công, những đoạn đường hạn chế tốc độ, tìm nhà vệ sinh công cộng, nhà thuốc, trạm xăng thông qua nút Tiện ích ở góc trái bên dưới.
Hi vọng với 3 ứng dụng mà Kỷ nguyên số vừa gợi ý, bạn đọc có thể tận dụng được lợi thế của smartphone tốt hơn trong thời đại công nghệ, giúp hạn chế các vụ bạo hành trẻ em, dễ dàng né được các khu vực ngập nước...
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.