Trong thời gian chờ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển khắc phục sự cố, bạn đọc có thể áp dụng một số nguyên tắc cơ bản sau đây để cải thiện tín hiệu và tăng độ ổn định cho WiFi.
1. Đặt router ở trung tâm ngôi nhà
Khi bạn thả một viên sỏi vào hồ nước tĩnh lặng, gợn sóng sẽ bắt đầu xuất hiện và lan tỏa ra tất cả các hướng. Về cơ bản, router cũng có cách thức hoạt động tương tự như trên, sóng WiFi sẽ lan tỏa tốt hơn khi bạn đặt router ở vị trí trung tâm ngôi nhà. Nếu đặt thiết bị ở góc tường, sóng WiFi sẽ bị hấp thụ hoặc lan tỏa ra ngoài trong khi các phòng ở xa sẽ không có mạng.
Sóng WiFi rất dễ bị hấp thụ và cản lại bởi những bức tường gạch dày, các đồ vật bằng kim loại, hồ cá, radio… Đây là lí do vì sao nhiều người không thể kết nối WiFi khi đang ở trong một căn phòng hoặc khu vực cố định trong nhà. Ví dụ, nếu ngôi nhà có ba tầng, bạn hãy đặt router ở tầng hai để có được tín hiệu tốt nhất.
2. Đặt router ở những nơi ít vật cản
“Điểm chết” là một thuật ngữ dùng để chỉ các địa điểm, khu vực mà sóng WiFi bị cản lại, khiến tốc độ truy cập Internet trở nên chậm chạp và kém ổn định.
Nhiều người thường có thói quen đặt router ở trên nóc tủ hoặc phía sau chiếc kệ để che đi các khuyết điểm về ngoại hình. Đây có thể là một lựa chọn tốt về mặt thẩm mĩ, tuy nhiên, điều này sẽ khiến tín hiệu WiFi bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi lái xe vào đường hầm, tín hiệu FM (tương tự sóng WiFi) sẽ không thể đến được xe bạn bởi các bức tường gạch dày của đường hầm và đất đá xung quanh đã cản lại. Do đó, để cải thiện tín hiệu, bạn hãy đặt router ở những nơi có thể nhìn thấy và ít đồ vật.
3. Tránh đặt router gần các vật dụng bằng kim loại
Lò vi sóng, hồ cá, radio, điện thoại không dây… là những thiết bị có thể can thiệp và ảnh hưởng đến sóng WiFi do chúng sử dụng cùng một tần số 2.5 GHz. Nếu muốn hạn chế tình trạng trên, người dùng nên chuyển sử dụng tần số 5 GHz (tính năng này chỉ được hỗ trợ trên các router đời mới).
Nếu đang sống tại chung cư, chắc hẳn tín hiệu WiFi nhà bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các hộ lân cận. Để hạn chế tình trạng trên, người dùng có thể cài đặt phần mềm Wifi Analyzer cho smartphone tại địa chỉ https://goo.gl/iMgZn, tương thích với các thiết bị Android 2.3 trở lên. Về cơ bản, ứng dụng sẽ liệt kê thông tin về tín hiệu (signal), kênh (channel) của tất cả các mạng lân cận. Khi hoàn tất, bạn chỉ cần truy cập vào router và chuyển sang kênh kết nối có ít người sử dụng.
4. Tăng sóng WiFi bằng các thiết bị phụ trợ
Nếu những cách trên không giúp cải thiện tín hiệu WiFi, bạn có thể mua thêm các thiết bị mở rộng vùng phủ sóng thông qua đường điện. Về cơ bản, những thiết bị này sẽ nhận tín hiệu từ router và phát lại, mở rộng vùng phủ sóng và giúp loại bỏ các “điểm chết”. Có rất nhiều sản phẩm để bạn lựa chọn đơn cử như Xiaomi (Trung Quốc) , D-Link (Đài Loan), TP-Link (Trung Quốc)… với mức giá dao động trong khoảng 150.000 đồng hoặc cao hơn, cách cấu hình tương đối đơn giản và dễ sử dụng.
5. Đổi DNS
Để chọn được máy chủ DNS có tốc độ tốt nhất, bạn hãy tải phần mềm DNS Benchmark, tương thích với các thiết bị chạy Windows. Nếu đang sử dụng macOS, bạn có thể sử dụng phần mềm Namebench.
Khi hoàn tất, bạn chỉ cần mở phần mềm và chuyển sang thẻ Nameservers, nhấp vào nút Run Benchmark để kiểm tra tốc độ của 72 máy chủ DNS. Lưu ý, để có được kết quả tốt nhất, bạn hãy tạm thời tắt bớt các ứng dụng không cần thiết (game, xem phim, tải dữ liệu…).
Ví dụ như hình bên trên, máy chủ DNS có tốc độ nhanh nhất là OpenDNS, tiếp theo là UltraDNS và thứ ba là Google Public DNS. DNS mặc định trên hệ thống của bạn sẽ nằm ở phần Local Network Namesaver.
Nếu chỉ muốn tập trung vào tốc độ, bạn có thể sử dụng Google Public DNS. Ngược lại, nếu muốn tăng thêm phần bảo mật và lọc các trang web nguy hiểm, người dùng có thể sử dụng OpenDNS Home và tạo tài khoản miễn phí, sau đó tinh chỉnh các thiết lập cho phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, còn có rất nhiều máy chủ DNS khác của Symantec và các hãng bảo mật lớn.
Khi đã có được thông tin về máy chủ DNS nhanh nhất, bạn chỉ cần đổi DNS mặc định trên máy tính sang DNS mới bằng phần mềm DNS Jumper (https://goo.gl/LnTDC2).
Đầu tiên, bạn cần chọn máy chủ DNS có sẵn trong sách (bao gồm Google Public DNS, OpenDNS và một số máy chủ DNS bảo mật khác), nếu sử dụng DNS khác, người dùng có thể tự nhập rồi nhấn Apply DNS để lưu lại.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.