Anh Huỳnh Thanh Danh, tác giả của bức ảnh về loài chim “Trèo cây lưng đen” đã đạt giải nhất tại cuộc thi nhiếp ảnh “Chim hoang dã Việt Nam”.
Có lẽ tình yêu đối với chim hoang dã và hành trình bôn ba theo những cánh chim bay của anh Huỳnh Thanh Danh đã phần nào nói lên tất cả.
Hành trình bén duyên với những cánh chim bay
Nhớ lại cái duyên đến chim, anh Danh cho biết từ lâu anh đã bị cuốn hút bởi những nét đẹp, nét đáng yêu của những chú chim nhỏ. Tình yêu chim lớn theo anh mỗi ngày, anh Danh đã lân la vào các hội nhóm về chim trên mạng xã hội và mơ ước làm nhiếp ảnh chụp chim đã nhen nhóm trong anh từ đó.
Chứng kiến các loài chim tại Việt Nam đang bị săn bắt quá mức, mơ ước sưu tầm hình ảnh những chú chim hiếm lại trỗi dậy. Đến nay, anh Danh đã có hơn 4 năm bôn ba để “săn” các loài chim quý, với mong muốn góp phần sưu tầm, phát hiện và bảo vệ các loài chim hoang dã.
Có lẽ hành trình khi mới bắt đầu gian nan hơn cả. “Tôi gặp không ít khó khăn liên quan đến máy ảnh và len chụp chuyên dụng, sau đó là địa điểm chụp. Tôi bắt đầu mày mò, lang thang đi tìm chim. Lúc đầu, ngoài các loài chim quốc dân như cu đất, chim sẻ, chim bồ câu…. Tôi không biết chỗ chụp các loài chim nào khác” – anh Danh nhớ lại.
Tuy nhiên, sở thích và cái duyên nó đã gắn chặt vào anh. Anh Danh đã gặp gỡ các nhiếp ảnh gia chụp chim đi trước và dẫn anh vào nghề. Từ một người không biết các loài chim, đến nay anh đã đi gần khắp mọi miền đất nước, từ cửa biển Kiên Giang cho đến đỉnh Fansipan trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm ở biên giới tỉnh Lào Cai và Lai Châu…
Nhớ lại hành trình này, anh Danh cho biết: Lần đi chụp chim Lội suối nâu ở Nậm Cang là đáng nhớ nhất. Tôi băng qua các cung đường núi nhỏ hẹp, tuột xuống một triền núi nghiêng 45 độ dài hơn 300 mét. Thật sự lúc đó tôi có cảm giác rất sợ, những suy nghĩ về… cái chết đột ngột xuất hiện trong đầu suốt thời gian ấy.
Mất nhiều ngày để chụp một tấm hình
Anh Danh cho biết những loài chim quý thường có tập tính sống và sinh hoạt ở những địa hình cao, hiểm trở. Yêu chim, muốn sưu tầm chim đã buộc anh phải chinh phục cả những ngọn núi, vượt qua cả chính mình. Đôi khi, anh phải mạo hiểm tất cả để có được những bức ảnh “hiếm”.
Để “săn” được những khoảnh khắc đẹp, anh Danh phải dựng lều ở những nơi có địa hình nguy hiểm và phục kích ở đó suốt ngày. Với niềm đam mê này, anh Danh đành gác lại công việc thường nhật là kinh doanh dược, thực sự khó khăn nhưng anh quyết tâm tới cùng.
“Tôi tranh thủ ngày nghỉ để theo đuổi đam mê của mình. Đam mê đó thực sự đã có thành quả một cách xứng đáng, tôi đã may mắn khi săn được tấm hình về loài chim quý nhất ở vùng núi ở Mù Cang Chải (Yên Bái) – chim Trèo cây lưng đen. Quý hơn, tôi đã được giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh “Chim hoang dã Việt Nam”.
Có lẽ, hành trình và cái duyên đến với các loài chim hiếm ở Việt Nam mới thực sự bắt đầu. Tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi, mong muốn ghi lại những hình ảnh quý hiếm và hơn hết là được góp phần bảo tồn những loại chim hiếm này” – anh Danh nói.
Một số tác phẩm về chim ấn tượng của tác giả Huỳnh Thanh Danh:
Chim hiếm ngày càng khó tìm
Sau nhiều năm đi tìm và chụp các loài chim ở Việt Nam, anh Danh cho biết việc tìm chim ngày càng khó khăn vì số lượng chim đang ngày càng ít dần đi.
Vấn nạn săn bắt quá mức đã đặt nhiều loài chim quý hiếm tại Việt Nam vào mức đáng báo động. Chính điều đó đã thôi thúc anh tiếp tục đam mê tìm kiếm dấu tích của những loài chim quý hiếm, góp phần vào công tác bảo tồn các loài trước nguy cơ tuyệt chủng.
Sắp tới anh và một vài người bạn đang lên kế hoạch đi Kỳ Sơn (Nghệ An) tìm những loài chim mới. Tháng 12, anh có chương trình đi chụp chim ở Đại Lý (Trung Quốc), mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng chỉ còn chờ tới ngày khởi hành.
“Nói chung “khúc chim hành” của chúng tôi tiếp tục còn lắm… gian nan!” – anh Danh chia sẻ.
Ban tổ chức cuộc thi ảnh: Bức ảnh có độ khó gần như tuyệt đối
Ngày 14-10, tại TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải và khai mạc triển lãm cuộc thi nhiếp ảnh “Chim hoang dã Việt Nam”. Cuộc thi do hội Bảo tồn chim quốc tế BirdLife, Chi hội Bảo tồn chim Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh TP phối hợp tổ chức.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Cuộc thi ảnh về các loài chim hoang dã ở Việt Nam là một trong các nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn với mong muốn chọn ra các bức ảnh hay, những khoảnh khắc đẹp để triển lãm nhằm lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến với công chúng, đặc biệt là tình yêu đối với các loài chim. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về việc gìn giữ môi trường”.
Chia sẻ về bức ảnh đạt giải nhất, ông Bảo cho biết đây là bức ảnh có độ khó gần như tuyệt đối. Bởi vì đây là loài chim vô cùng quý hiếm, dường như không xuất hiện. Để chụp được, nhiếp ảnh gia phải phải cắm trại ở những nơi có địa hình nguy hiểm nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng.