Chi tiết phương án sáp nhập, tinh gọn các tổ chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận

(PLO)- Theo gợi ý, định hướng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sẽ giảm bốn cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, tăng hai đảng ủy trực thuộc Trung ương; giảm được bốn ủy ban của Quốc hội và một cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Hôm qua (1-12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại hội nghị này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18, đồng thời giới thiệu các phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, tổ chức Đảng; Chính phủ; Quốc hội và MTTQ.

PLO giới thiệu cụ thể tới độc giả những gợi ý, định hướng, phương án sáp nhập, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chi tiết phương án sáp nhập, tinh gọn các tổ chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Ảnh: TTXVN

*****

Giảm 4 cơ quan Đảng, tăng 2 đảng ủy trực thuộc Trung ương

Với các cấp ủy, tổ chức đảng, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.

Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.

Đồng thời, nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.

Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương sẽ được nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của các hội đồng này về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân. Giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động.

Cùng với đó, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, VKSND tối cao, TAND tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp).

Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.

Đảng ủy Chính phủ ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay.

Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của Chính phủ và các cấp ủy trực thuộc, dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của Đảng ủy Chính phủ (cấp tỉnh) về đảng ủy các bộ (cấp huyện), một số nhiệm vụ sẽ do ban Đảng Trung ương thực hiện.

Đảng ủy Chính phủ gồm Ban chấp hành, Ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, Ban thường vụ đảng ủy gồm Thủ tướng làm Bí thư, các Phó thủ tướng, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí một Phó bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.

Cụ thể, ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực đảng ủy; thường trực đảng ủy gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, có thể bố trí đồng chỉ Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và một Phó Bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự thường trực đảng ủy, quy định thường trực đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ hiện nay.

Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tương tự như sự lãnh đạo đối với các ban cán sự đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức hiện nay) và chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy Chính phủ.

Cùng đó là được dự họp các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập bàn về các nội dung có liên liên quan; được nhận các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện chế độ báo cáo như các cấp ủy trực thuộc Trung ương (như vị trí, chức năng của ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương hiện nay).

Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Quốc hội.

Đảng ủy Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp ủy trực thuộc.

Đảng ủy Quốc hội gồm Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng ủy gồm Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư, các Phó chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể bố trí một Phó bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn Quốc hội hiện nay.

Kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ).

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Lập Đảng bộ MTTQ Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng ở các cơ quan thuộc khối MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đảng ủy MTTQ Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối MTTQ Việt Nam và các cấp ủy trực thuộc.

Đảng ủy MTTQ Việt Nam gồm ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực đảng ủy; thường trực đảng ủy gồm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Bí thư, các Phó Chủ tịch, một số trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách. Bộ Chính trị chỉ định nhân sự thường trực đảng ủy, quy định thường trực đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập Đảng ủy ở các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng ủy MTTQ Việt Nam, gồm ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực đảng ủy; thường trực đảng ủy gồm cấp trưởng làm Bí thư, các đồng chí cấp phó, có thể bố trí Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ và có thể bố trí một Phó Bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự thường trực đảng ủy, quy định thường trực đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay.

Đảng ủy các tổ chức chính trị - xã hội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tương tự như sự lãnh đạo đối với các đảng đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức hiện nay) và chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy MTTQ Việt Nam; được dự họp các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập bàn về các nội dung có liên quan; được nhận các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện chế độ báo cáo như các cấp ủy trực thuộc Trung ương (như vị trí, chức năng của đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn hiện nay).

- Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ ở các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Đảng ủy MTTQ Việt Nam.

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm bốn cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; tăng hai đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng:

+ Sáp nhập Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính; Sáp nhập Bộ GTVT và Bộ Xây dựng.

+ Sáp nhập Bộ TT&TT và Bộ KH&CN để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số...; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan.

+ Sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

+ Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.

+ Nghiên cứu, sắp xếp một số bộ, ngành khác để bảo đảm tinh gọn.

+ Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp hai viện hàn lâm khoa học và hai đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, TP...; tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

Tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chỉ cho các hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

- Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được năm bộ, hai cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng:

+ Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

+ Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

+ Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.

+ Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Quốc hội.

+ Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.

+ Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+ Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+ Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

+ Không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thực hiện phương án này, giảm được bốn ủy ban của Quốc hội và một cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

- Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.

- Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Đối với các địa phương

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.

- Cấp tỉnh: Nghiên cứu kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh; lập hai đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh.

+ Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, VKSND, TAND, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.

+ Đảng bộ khối chính quyền cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan ủy ban nhân dân cấp tỉnh (riêng Đảng bộ quân sự và đảng Bộ Công an, đảng bộ biên phòng cấp tỉnh trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay).

Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cấp ủy (chi bộ) trực thuộc.

Dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của đảng ủy chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng cấp ủy cấp tỉnh thực hiện.

Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của hai đảng ủy nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm